Ảnh minh họa |
Thông tư này quy định việc lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường, bao gồm: Quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, viễn thám, đa dạng sinh học và một số nhiệm vụ chi khác về tài nguyên môi trường.
Đối với kinh phí ngân sách nhà nước cấp, Thông tư quy định: Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường do các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện.
Thông tư cũng nêu rõ về nhiệm vụ chi hoạt động kinh tế về tài nguyên môi trường của ngân sách trung ương. Đối với quản lý đất đai: Chi điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng theo định kỳ và theo chuyên đề theo quyết định của cấp có thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo thống kê đất đai; kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cả nước và theo vùng; thống kê, kiểm kê đất quốc phòng, an ninh; lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh…
Đối với đo đạc và bản đồ: Chi thiết lập hệ quy chiếu quốc gia, hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ thống điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng; thành lập và hiện chỉnh hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; lập bản đồ hành chính toàn quốc và cấp tỉnh; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia; bản đồ chuyên đề phục vụ mục đích chuyên dụng của ngành; xây dựng hệ thống không ảnh cơ bản, hệ thống không ảnh chuyên dụng; hệ thống địa danh sử dụng trong đo đạc và bản đồ…
Về địa chất và khoáng sản: Chi điều tra, phát hiện khoáng sản cùng với việc lập bản đồ địa chất khu vực, địa chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất khoáng sản biển, bản đồ chuyên đề và các chuyên đề về địa chất, khoáng sản; thăm dò một số loại khoáng sản quan trọng phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội (nếu có) theo quy định của pháp luật về khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản…
Về tài nguyên nước: Ngân sách chi điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và các tác hại khác do nước gây ra...
Đối với Biển và Hải đảo: Ngân sách nhà nước chi điều tra cơ bản tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của pháp luật; quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền; hoạt động quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo quốc gia…
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định những nhiệm vụ chi hoạt động kinh tế về tài nguyên môi trường của ngân sách địa phương.
Mức chi thực hiện các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường thực hiện theo định mức, đơn giá, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Một số mức chi cụ thể được quy định tại Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/2/2018.