Rẻ rúng... hàng Việt

(BĐT) - Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, vẫn còn hiện tượng không ít chủ đầu tư/bên mời thầu chưa thực hiện nghiêm “Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước”.
Nhiều chủ đầu tư “cài cắm” các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu... hàng ngoại trong hồ sơ mời thầu để tạo lợi thế cho nhà thầu “ruột”. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều chủ đầu tư “cài cắm” các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu... hàng ngoại trong hồ sơ mời thầu để tạo lợi thế cho nhà thầu “ruột”. Ảnh: Lê Tiên

Vẫn còn HSMT yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu

Qua thực tiễn tham dự thầu và xem xét hồ sơ mời thầu (HSMT), một số doanh nghiệp phát hiện chủ đầu tư đã cố tình phân biệt đối xử đối với hàng hóa trong nước. Đơn cử như trường hợp tại một số gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước trên các địa bàn: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang.

Qua phản ánh của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành kiểm tra đột xuất các gói thầu này. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong nội dung của nhiều HSMT, hồ sơ đề xuất, chủ đầu tư/bên mời thầu đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ (được nhập khẩu đồng bộ) từ G7, EU, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hiện tượng này đã xảy ra tại Gói thầu Cung cấp và lắp đặt máy phát điện 560KVA + tủ ATS + vật tư lắp đặt thuộc Công trình Trụ sở văn phòng làm việc Báo Thanh niên; gói thầu Máy phát điện 1800KVA thuộc Dự án Nhà máy sản xuất chỉ sợi cao su – Công ty Chỉ sợi; Gói thầu Xây dựng đường dây trung thế, trạm biến áp 2.000KVA và máy phát điện dự phòng 500KVA thuộc Dự án Đầu tư xây dựng trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình Đồng Nai...

Bên cạnh yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, một số HSMT lại có yêu cầu về thương hiệu như hãng sản xuất máy phát điện phải có thương hiệu và lâu đời (kinh nghiệm trên 45 năm) và có định hướng đến một số nhà sản xuất cụ thể như tại Gói thầu số 6 (thiết bị) - 02 máy phát điện 2.250KVA/1 máy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đưa ra những quy định như nêu trên là không phù hợp với các quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Điểm i Khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; đối với gói thầu có HSMT, hồ sơ yêu cầu phát hành trước ngày 01/7/2014 là vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23 Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Khoản 5 Điều 12 của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Khoản 1 Mục B Mẫu Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh ban hành kèm theo Thông tư số 11/2010/TT-BKH. 

Cần có thanh tra độc lập về sử dụng hàng Việt trong đấu thầu

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, thực tế có không ít trường hợp chủ đầu tư/bên mời thầu hạn chế nhà thầu không phải là nhà thầu “ruột” tham dự bằng cách “cài cắm” các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu... trong HSMT. Tuy nhiên, kết quả của thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành và địa phương lại đều cho thấy một mẫu số chung là: “Đa số các chủ đầu tư đều chấp hành tốt việc thực hiện ưu đãi cho nhà thầu, lao động, hàng hóa, vật tư sản xuất trong nước trong lựa chọn nhà thầu” (TP.HCM, Lâm Đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…).

Lý giải thực tế nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân một phần là do các cuộc thanh, kiểm tra của các bộ, ngành và địa phương về sử dụng hàng Việt thời gian qua vẫn chủ yếu là lồng ghép, mà chưa có cuộc thanh tra nào được tiến hành độc lập về nội dung này.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Bộ này đã tiến hành 14 cuộc thanh tra với 24 đối tượng được thanh tra về tài chính, về dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Và trong các cuộc thanh tra này, Bộ Thông tin và Truyền thông có lồng ghép nội dung kiểm tra việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Tương tự, tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đơn vị này đã tổ chức giám sát, đánh giá đầu tư tổng thể 54 dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc kiểm tra tính tuân thủ của các chủ đầu tư dự án liên quan đến việc chấp hành Chỉ thị 494/CT-TTg chỉ là một trong những nội dung của công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án.

Còn tại TP.HCM, từ năm 2010 đến nay, địa phương này đã thành lập 21 đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác đấu thầu tại một số đơn vị trên địa bàn. Trong đó, nội dung xem xét, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg tại các đơn vị chỉ như là một nội dung “phụ” trong số nhiều nội dung thanh, kiểm tra khác.

Tin cùng chuyên mục