Nếu đã xác định tham gia dự án BOT, nhà đầu tư phải tính toán để đảm bảo dự án khả thi về hoàn vốn. Ảnh: Nhã Chi |
Khi tín dụng ngân hàng chiếm chủ yếu trong cơ cấu vốn các dự án BOT, thì việc siết chặt cho vay có tác động gì đối với các dự án BOT đang triển khai và nhà đầu tư BOT nên ứng phó ra sao?
Kiểm soát từ từ chứ không phanh gấp
Theo TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong giai đoạn vừa qua, các NHTM có chính sách thúc đẩy cho vay đối với dự án BOT, BT nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ thi công một số dự án trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Kết quả đến nay là có thể thấy rõ, nhưng cũng bắt đầu phát sinh một số rủi ro. Dòng vốn của nhiều NHTM đổ vào dự án BOT, BT thời gian qua có vẻ hơi nhiều, hơi nóng, trong khi nhiều nhà đầu tư khi triển khai dự án BOT, BT không làm đúng tất cả quy định của Nhà nước, như thu phí nhập nhằng, không minh bạch, chất lượng công trình không bảo đảm, phải dừng thu phí để duy tu, bảo dưỡng, ảnh hưởng đến việc hoàn vốn… Chính sách kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT của Chính phủ, NHNN là giải pháp phù hợp.
Ông Cấn Văn Lực nhận định, việc kiểm soát rủi ro trong cấp tín dụng đối với dự án BOT nên là kiểm soát từ từ. Nếu phanh gấp sẽ tạo cú sốc đối với các dự án đang triển khai dở dang. Với các dự án BOT, BT thực hiện đúng quy định, nhà đầu tư đáp ứng năng lực, điều kiện, dự án trọng điểm, ngân hàng chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục rót vốn theo tiến độ đã cam kết.
Từ góc độ một nhà đầu tư đã, đang triển khai nhiều dự án BOT lớn, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết, việc NHNN khuyến cáo kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT không ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho các dự án BOT đang triển khai của Công ty. Ông Bình đánh giá, khuyến cáo này sẽ có tác động tích cực đối với hiệu quả hoạt động cấp tín dụng cho dự án BOT của các ngân hàng. Đặc biệt, sẽ hạn chế việc nhà đầu tư ‘tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro cho ngân hàng. Theo ông Bình, NHNN siết cho vay dự án BOT giao thông một phần có thể do dư nợ cho vay đối với các dự án BOT đã lớn, tăng nhanh, có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản.
Chính nhà đầu tư BOT phải thay đổi
Ông Cấn Văn Lực cho biết, khi Chính phủ, NHNN có yêu cầu kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT, nhiều ngân hàng đã rà soát lại danh mục các dự án BOT cho vay, ngừng triển khai đối với một số dự án BOT, BT được đánh giá có vấn đề, không hiệu quả, không có khả năng sinh lời… Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý đối với các khoản vay hiện tại, bảo đảm chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết với Nhà nước, với ngân hàng. “Đương nhiên, khi dòng vốn NHTM siết chặt, giảm, thì có một số dự án khó khăn hơn về huy động vốn trung, dài hạn”, ông Cấn Văn Lực khẳng định.
Trong điều kiện này, ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần có giải pháp phù hợp để đa dạng hóa nguồn vốn cho dự án BOT, BT. Trong đó, nên chú trọng hơn đến việc phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu dự án. Thời gian vừa qua, huy động trái phiếu loại này chưa tốt, do doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa chịu làm và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển. Muốn làm được việc này, cần có giải pháp đồng bộ, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan phải có giải pháp thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải thấy đó là một nhu cầu, một giải pháp để huy động vốn. Ngoài ra, có thể kêu gọi một số nguồn vốn khác từ các tổ chức quốc tế…
Tuy nhiên, ông Lực khẳng định, muốn làm được điều này, bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thay đổi. Việc huy động được vốn quốc tế, cũng như trái phiếu công trình chỉ đạt được khi nhà đầu tư mạnh về năng lực tài chính, tốt về quản trị điều hành, tuân thủ đúng pháp luật và phải minh bạch thông tin.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Bình cho rằng, nếu đã xác định tham gia đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư phải tính toán đầy đủ rủi ro và đặc biệt là dự án phải khả thi về hoàn vốn. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án BOT phải nhiều hơn để tránh việc phụ thuộc cũng như đẩy rủi ro quá lớn cho ngân hàng.
Dư nợ tín dụng cho các dự án BOT hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng cho toàn nền kinh tế. Rủi ro từ cho vay BOT đến hệ thống ngân hàng là không lớn.
Hệ thống NHTM đương nhiên có công cụ, phương pháp đánh giá rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng nói chung, cấp tín dụng cho dự án BOT nói riêng. Dòng vốn cho dự án BOT đáng lẽ phải sử dụng vốn trung, dài hạn, nhưng trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam, phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với nhu cầu vốn rất lớn, trong khi thị trường vốn phát triển chưa đồng đều, vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân hàng.
Huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, bao giờ hệ thống ngân hàng cũng cẩn trọng, thẩm định chặt chẽ trước khi cho vay. Như mọi hoạt động cho vay khác, không thể nào tránh hết mọi rủi ro, nhưng vấn đề rủi ro tín dụng khi cho vay dự án BOT chưa phải là quá lo ngại. Nếu như có NHTM nào đó liều lĩnh, bất cẩn, không đánh giá đầy đủ khi cho vay, thì chính họ phải chịu trách nhiệm và nếu rủi ro đó tác động lớn đến ngân hàng thì họ phải chịu hậu quả, thậm chí phá sản, đó là quy luật thị trường.
Về lâu dài, với nhu cầu vốn cho hạ tầng lớn, cũng cần phát triển các nguồn vốn khác cho dự án BOT như trái phiếu, vốn quốc tế.