Doanh nghiệp gặp khó khăn nên chưa kịp nộp nợ thuế. Ảnh: Internet |
Số nợ thuế ước tại thời điểm 30/9/2021 tăng so với thời điểm 31/12/2020 do từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước làm tăng nợ thuế. Bên cạnh đó, phát sinh thêm tiền chậm nộp tính theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ làm tăng nợ thuế.
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/9/2021 là 107.117 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền thuế có khả năng thu là 61.284 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2020; tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 21.295 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 24.538 tỷ đồng, giảm 49,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Thuế cho biết, nợ thuế không còn khả năng thu giảm mạnh so với cùng kỳ 2020 là do cơ quan Thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Cùng với đó, tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) là 9.444 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 1.427 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, 9 tháng năm 2021, ngành Thuế đã thực hiện thu nợ thuế 22.000 tỷ đồng, đạt 73,1% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ 15.220 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 6.780 tỷ đồng.
Trong quý cuối năm, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc về khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội.