Các hạng mục Đập phụ, kênh thông hồ và kênh tiêu Châu Bình đã được mua bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Ảnh: Huyền Trang |
Trước đó Báo đã phản ánh kênh tưới tiêu Châu Bình thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng vào tháng 4/2017 đã xảy ra tình trạng sạt lở, nứt mái nghiêm trọng ở một số vị trí, mặc dù công trình chưa hoàn thành đưa vào sử dụng.
Công trình hệ thống kênh thông hồ, kênh tiêu Châu Bình thuộc Hạng mục Đập phụ kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình (Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng). Hạng mục này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 9/10/2012, với tổng mức đầu tư là 756 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án (BQLDA) Bản Mồng được giao làm bên mời thầu. Năm 2014, hạng mục này được Bộ NN&PTNT phân bổ vốn 138,35 tỷ đồng, giai đoạn 2014 - 2016 phân bổ tiếp 600 tỷ đồng.
Nhà thầu trúng thầu Gói thầu 14: Phần xây lắp các hạng mục công trình Hệ thống kênh thông hồ, kênh tiêu Châu Bình, nhà quản lý, đường thi công, bãi tập kết vật liệu thuộc Hạng mục Đập phụ kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình (Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An) là Tổng công ty 36. Giá trúng thầu là 482,114 tỷ đồng, trong khi giá gói thầu là 497,071 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Ngày 12/10/2014, Tổng công ty 36 đã tổ chức Lễ khởi công thi công Hạng mục. Cho đến nay, Công trình chưa hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng thì xảy ra sạt lở, nứt mái nghiêm trọng ở một số vị trí.
Theo báo cáo của các đơn vị, nguyên nhân sạt lở được xác định là do đất tự nhiên mềm yếu, nước ngầm chảy ra 2 bên bờ kênh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về nguyên nhân sạt lở, nứt mái nêu trên, đại diện Nhà thầu thi công cho biết, chủ yếu là do điều kiện tự nhiên, địa chất. Đây là hệ thống kênh đất, nên khi đào sâu xuống lòng đất thì mạch nước ngầm chảy ra, dẫn đến hiện tượng sạt lở. Tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn khi mùa mưa đến, nước ngầm càng dâng cao. Điều này đã được nhà thầu tư vấn tiên lượng, dự báo ngay từ đầu, khi khảo sát, lập thiết kế...
Theo văn bản giải trình của Sở NN&PTNT Nghệ An, các hạng mục Đập phụ, kênh thông hồ và kênh tiêu Châu Bình đã được mua bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Trước đây, trong giai đoạn thiết kế, việc sạt trượt mái đã được dự tính có thể xảy ra khi mưa lũ lớn, nhưng nếu xử lý bằng gia cố triệt để sẽ rất tốn kém. Vì vậy, thiết kế chỉ gia cố những đoạn mố cầu, khúc cong của kênh, các dốc nước, các đoạn còn lại để mái đất tự nhiên, sau một thời gian ổn định sẽ xem xét gia cố các đoạn xung yếu cần thiết để giảm chi phí đầu tư.
Việc sạt lở này đã được chủ đầu tư xin ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý Xây dựng công trình – Bộ NN&PTNT và đã có ý kiến chỉ đạo thống nhất phương án gia cố và xem xét gia cố trước các vị trí trọng yếu.
Trong điều kiện nguồn vốn hiện nay, giao đơn vị tư vấn thiết kế trước mắt ưu tiên tập trung đề xuất các biện pháp kỹ thuật gia cố mái tại các vị trí xung yếu và các vị trí có nguy cơ mất an toàn đối với nhà dân.
Cũng theo văn bản giải trình của Sở NN&PTNT Nghệ An, đối với vấn đề bảo hiểm công trình, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã đồng ý bồi thường, khắc phục, đồng hành cùng chủ đầu tư, BQLDA Bản Mồng để giải quyết triệt để vấn đề sạt lở. Công ty Bảo Việt Lâm Đồng (đại diện) cam kết bồi thường 100% tổn thất, thiệt hại phần khối lượng sạt lở do mưa lũ gây ra như hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Sau khi có phương án kỹ thuật, khắc phục gia cố mái được chủ đầu tư phê duyệt, sẽ chuyển cho Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt xem xét, bồi thường thiệt hại do sự cố mưa lũ gây ra.
Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong vấn đề thiết kế, thi công, chủ đầu tư cho biết, sẽ xem xét sau khi có kết luận của cơ quan chuyên môn xác định rõ nguyên nhân. BQLDA Bản Mồng chịu trách nhiệm sẽ đôn đốc nhà thầu thi công, thực hiện hoàn thành, trước khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật.