Dự án Đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Thái Học có hai hạng mục chính, gồm: cầu chính dành cho xe ô tô (kết cấu nhịp chính là cầu vòm bê tông cốt thép, vĩnh cửu) và cầu dành cho bộ hành, cảnh quan. Công trình cầu bộ hành có kết cấu nhịp bằng thép, được chống đỡ bằng hệ thống cáp văng (chịu lực) gắn trên trụ thép chế tạo sẵn. Thời gian thi công từ ngày 7/5/2019 đến ngày 25/6/2021; nghiệm thu hoàn thành công trình vào ngày 9/7/2021.
UBND tỉnh An Giang cho biết, quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình cầu Nguyễn Thái Học, hạng mục cầu chính và các hạng mục khác cơ bản được cơ quan chuyên môn thống nhất. Tuy nhiên, đối với hạng mục cầu bộ hành và cảnh quan, quá trình thực hiện xử lý kỹ thuật và phát sinh còn một số nội dung chưa thống nhất từ cơ quan chuyên môn.
Trước đó, dư luận phản ánh hạng mục cầu bộ hành của Dự án có tình trạng các dầm cầu từ màu trắng chuyển màu đen theo vệt loang lổ. Đơn vị thầu phụ đặc biệt đã tổ chức hàn gắn các phần dầm kết nối, đầu mối của dầm cầu bộ hành. Sở Giao thông vận tải An Giang và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang (chủ đầu tư) đã tổ chức kiểm tra cầu bộ hành với sự tham gia của các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, giám sát thi công. Đoàn kiểm tra đã thống nhất kết luận nhiều hạng mục thi công sai với thiết kế được duyệt nhưng lại được hoàn công.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tháng 4/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 18 Thi công xây lắp công trình (bao gồm cầu cắt tạm qua đường Lê Hồng Phong để đảm bảo an toàn) thuộc Dự án. Gói thầu có giá 163.750.031.000 đồng. Liên danh Công ty CP Cầu 12 - Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 trúng thầu với giá 163.624.216.000 đồng, giảm giá gần 0,2%.
Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 18, hai nhà thầu khác dự thầu là Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thế Toàn, Công ty CP Xây dựng cầu 75 đều không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, kể từ năm 2017 đến nay, Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 từng được công bố trúng 23 gói thầu với tổng giá trị xấp xỉ 1.900 tỷ đồng. Riêng tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, nhà thầu này được ghi nhận trúng 7 gói thầu. Đơn cử như Gói thầu số 10 Thi công xây lắp công trình thuộc Dự án Cầu Cái Đầm – Đường tỉnh 954 (giá trúng thầu hơn 34 tỷ đồng); Gói thầu số 09 Thi công xây lắp các hạng mục cầu thuộc Dự án Xây dựng cầu Phú Hòa tuyến Đường tỉnh 943 (giá trúng thầu hơn 34 tỷ đồng); Gói thầu số 14 Thi công xây lắp hạng mục: các công trình chính - giai đoạn 2 thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Đường tỉnh 945), huyện Châu Phú, huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang (giá trúng thầu hơn 116 tỷ đồng)…
Cùng thời gian trên, riêng Công ty CP Cầu 12 được công bố trúng 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Nhà thầu này mới được công bố trúng 1 gói thầu tại tỉnh An Giang.
Để xử lý phát sinh tại công trình cầu Nguyễn Thái Học, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương làm việc với các nhà thầu, nghiêm túc xác định trách nhiệm, có phương án, kế hoạch khắc phục và báo cáo Sở Giao thông vận tải để thống nhất, làm cơ sở tổ chức thực hiện. “Liên quan đến công tác nghiệm thu công trình xây dựng cầu Nguyễn Thái Học UBND tỉnh An Giang sẽ rà soát, kết luận và thông tin cụ thể toàn bộ quá trình thi công hạng mục này. Hiện tại, toàn bộ chi phí khắc phục không được sử dụng ngân sách nhà nước, do công trình đang trong thời gian bảo hành, mọi chi phí đều phải do đơn vị thi công chi trả”, đại diện UBND tỉnh An Giang cho biết.