Sửa Nghị định 98/2021/NĐ-CP: Cần làm rõ danh mục và chủ thể phải kê khai giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP (NĐ 98) về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT). Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm, kiến nghị sửa đổi là quy định kê khai giá do thực tế đang gây khó khăn cho hoạt động mua sắm, đấu thầu TTBYT.
Theo quy định tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP, trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Ảnh: Tiên Giang
Theo quy định tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP, trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Ảnh: Tiên Giang

Những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Theo quy định tại NĐ 98, TTBYT phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Các đơn vị không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Quy định này ra đời trong bối cảnh cơ quan điều tra phát hiện nhiều vụ việc nâng khống, loạn giá TTBYT tại các cơ sở y tế công lập.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), quy định như trên đã và đang tạo ra gánh nặng cho DN trong việc thực hiện, do khối lượng TTBYT rất nhiều (nhiều loại TTBYT và nhiều cấu hình, phụ kiện thay đổi trong một TTBYT) và giá cả thường xuyên thay đổi do ảnh hưởng từ biến động tỷ giá và các chi phí khác.

Đại diện một số bệnh viện tuyến Trung ương chia sẻ, tên gọi của TTBYT hay “vật tư y tế”, “hóa chất phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán”, hay “TTBYT chuyên dùng” tại các văn bản quy phạm pháp luật và trong các giấy phép lưu hành chưa thống nhất, trong khi thị trường rất đa dạng về chủng loại, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về kê khai giá, gây khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu.

Ngoài ra, cùng một TTBYT, cùng chủng loại (model), cùng hãng sản xuất, nhưng giá kê khai giữa các DN chênh lệch khá lớn, cách mô tả cấu hình, tính năng kỹ thuật, dịch vụ kèm theo… không thống nhất, nên không có cơ sở chắc chắn chọn giá nào là phù hợp nhất để lập giá kế hoạch. Đối với TTBYT gồm nhiều thiết bị đơn lẻ (đơn vị tính là hệ thống/bộ), DN kê khai giá không trùng khớp nên rất khó khăn trong việc đối chiếu, so sánh.

“Giá kê khai là do chủ sở hữu, nhà phân phối TTBYT kê khai, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào thẩm tra lại tính chính xác tại thời điểm công bố, chịu trách nhiệm về kiểm soát giá kê khai, nên không đảm bảo tính pháp lý cho các đơn vị mua sắm tham khảo để xây dựng giá gói thầu”, ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Về phía DN, trao đổi với Báo Đấu thầu, một số ý kiến cho biết, họ vẫn chưa kê khai giá vì nhiều lý do, chẳng hạn để thăm dò hiệu quả chính sách; biến động giá cả; sợ lộ bí mật kinh doanh nếu kê khai toàn bộ giá vốn, chi phí quản lý, lợi nhuận dự kiến…

Cần rõ danh mục và chủ thể phải kê khai giá

Từ phản ánh của DN, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 98 cân nhắc bỏ quy định về kê khai giá, hoặc thu hẹp đối tượng phải thực hiện kê khai, bởi mục tiêu quản lý nhà nước của quy định này là chưa rõ ràng.

Quy định về kê khai giá có mục đích giúp cơ quan nhà nước nắm bắt được tình hình giá cả của sản phẩm, từ đó có thể đề xuất các biện pháp quản lý giá phù hợp nếu giá cả có biến động bất thường. Điều này là cần thiết với các sản phẩm, dịch vụ có lượng tiêu thụ đặc biệt lớn. Tuy nhiên, theo VCCI, phần lớn đối tượng mua sắm và sử dụng TTBYT là các đơn vị công hoặc cơ sở y tế, có khả năng đàm phán và lựa chọn nhà cung cấp với giá phù hợp. Việc xác định giá gói thầu có thể xử lý thông qua các biện pháp niêm yết giá, cung cấp thông tin chi tiết về giá trúng thầu.

Nếu cơ quan soạn thảo bảo lưu quy định kê khai giá, VCCI cho rằng, cần ban hành danh mục TTBYT phải kê khai giá, trên nguyên tắc chỉ yêu cầu kê khai giá đối với mặt hàng thiết yếu, có mức chi trả cao, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội khi giá cả tăng cao bất thường. Đồng thời, cần thu hẹp đối tượng phải kê khai giá theo hướng chỉ quy định với các tổ chức, cá nhân có hoạt động bán hàng đến người dùng cuối (cơ sở y tế, cửa hàng thuốc, người tiêu dùng…). Cơ quan nhà nước là bên duy nhất thu thập và nắm giữ các thông tin kê khai giá.

Theo ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, thực tế cho thấy, thị trường mua sắm công TTBYT tại Việt Nam có tính đặc thù. Khi xây dựng tiêu chí kỹ thuật của hàng hóa cần mua sắm, người mua thường ngầm chỉ định sẵn đơn vị trúng thầu thông qua các hàng rào kỹ thuật, thông đồng trong thẩm định giá, đưa ra các tiêu chí hạn chế cạnh tranh... Do đó, điều cần làm hơn là kiểm soát chặt việc xây dựng hồ sơ mời thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải trình về các yếu tố cấu thành giá chào thầu. Mặt khác, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin để có nhiều nhà thầu/nhà cung cấp cùng tham gia đấu thầu cạnh tranh.

Để tăng cường công khai, minh bạch thị trường TTBYT, ông Hứa Doãn Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội TTBYT TP.HCM cho rằng, chủ đầu tư phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh lựa chọn đơn vị tư vấn.

Tin cùng chuyên mục