Sửa quy định về đầu tư, đấu thầu: Thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn ODA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều quy định liên quan đến thực hiện dự án ODA tại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi. Từ đó, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
8 tháng đầu năm 2024, ước thanh toán vốn nước ngoài là 4.031,4 tỷ đồng, đạt 20,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
8 tháng đầu năm 2024, ước thanh toán vốn nước ngoài là 4.031,4 tỷ đồng, đạt 20,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Chậm giải ngân, phát sinh nhiều hệ lụy

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2024, ước thanh toán vốn nước ngoài là 4.031,4 tỷ đồng, đạt 20,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình của cả nước (40,49% kế hoạch). Bên cạnh đó, sau 8 tháng, còn 2.010 tỷ đồng vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết, nguyên nhân do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định; vướng mắc trong công tác thẩm định giá thiết bị, cơ chế đấu thầu dự án...

Thời gian gần đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch các năm 2021, 2022, 2023 đều đạt trên 90%, nhưng giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian thực hiện, không hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời hạn dự kiến. Đã xuất hiện tình trạng địa phương đề xuất trả hoặc điều chỉnh giảm kế hoạch do không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn ODA.

Theo Bộ KH&ĐT, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp, tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn tiếp tục có xu hướng tăng, tạo áp lực rất lớn cho việc bố trí vốn kế hoạch năm sau. Điều này không chỉ tác động tới công tác lập kế hoạch mà còn ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành dự án, hiệu quả đầu tư, gây lãng phí cơ hội và nguồn lực… Chưa kể đối với phần vốn nước ngoài, dù hoàn trả vốn nhưng cả trung ương và địa phương vẫn phải chi trả chi phí cam kết vốn, lãi vay.

Gỡ vướng, hài hòa quy định

Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ĐT, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư công quy định một chương riêng về vốn nước ngoài để phù hợp với đặc thù riêng của nguồn vốn này với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Trong đó, những sửa đổi chủ yếu gồm: bổ sung quy định cho phép giải ngân độc lập vốn vay lại và vốn cấp phát; đơn giản hóa nội dung liên quan đến đề xuất dự án; phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA; đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án viện trợ không hoàn lại như dự án khẩn cấp trong nước…

Nhiều nhà tài trợ đánh giá cao những sửa đổi để đơn giản hóa, hài hòa thủ tục, phân cấp mạnh hơn trong thực hiện dự án ODA. Các ý kiến cũng cho rằng việc sửa đổi Luật Đầu tư công không giải quyết hết những vấn đề gặp phải, mà phải thay đổi các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu…để bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc hiệu quả

Trong giai đoạn từ 2024 - 2027, tổng danh mục vay vốn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á của Việt Nam trị giá 16,6 tỷ USD, với 45 dự án. Ảnh: Tiên Giang
Trong giai đoạn từ 2024 - 2027, tổng danh mục vay vốn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á của Việt Nam trị giá 16,6 tỷ USD, với 45 dự án. Ảnh: Tiên Giang

Với quy định về đấu thầu, đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết sẽ đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.

Về đấu thầu trước, theo Cục Quản lý đấu thầu, Điều 42 Luật Đấu thầu năm 2023 đã quy định chủ đầu tư được thực hiện một số hoạt động trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết, nhưng chưa bao gồm việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng. Hiện nay, một số nhà tài trợ, đặc biệt là các nhà tài trợ song phương châu Âu có yêu cầu phải ký kết trước hợp đồng thương mại như một điều kiện ràng buộc để đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay. Nếu vướng mắc này không được giải quyết thì việc huy động nguồn vốn từ đa số các nước châu Âu sẽ không thể thực hiện được. Vì thế, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 42 Luật Đấu thầu theo hướng: cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước toàn bộ các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi quyết định đầu tư được phê duyệt; cho phép ký kết hợp đồng thương mại trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài và sau khi dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư.

Về hình thức đấu thầu trong nước, các nhà tài trợ đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên đều có quy định bắt buộc về xuất xứ nhà thầu đối với đấu thầu trong nước (cho phép nhà thầu thuộc danh sách các quốc gia hợp lệ được tham dự thầu trong nước) trong khi Luật Đấu thầu quy định đấu thầu trong nước chỉ cho phép nhà thầu trong nước tham dự thầu. Trong giai đoạn từ 2024-2027, tổng danh mục vay vốn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á của Việt Nam trị giá 16,6 tỷ USD, với 45 dự án. Theo Quy chế mua sắm của các tổ chức này, yêu cầu về xuất xứ nhà thầu là không thể thay đổi và không thể đàm phán được đối với từng khoản vay cụ thể. Về hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế, theo Luật Đấu thầu 2023 thì chỉ được thực hiện trong trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đã ký kết có quy định cho phép áp dụng; trong quá trình đàm phán các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, trường hợp có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu thì phải báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Do vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 11 Điều 4, Điều 11 và Điều 22 Luật Đấu thầu để hài hòa hóa với quy định của các nhà tài trợ, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tại Dự thảo mới nhất được công bố lấy ý kiến gần đây, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa theo hướng cho phép nhà thầu thuộc danh sách các quốc gia hợp lệ được tham dự đấu thầu trong nước và áp dụng các hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế trong trường hợp nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu áp dụng các hình thức này theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ.

Tin cùng chuyên mục