Tái cơ cấu năng lượng: Cơ hội nào cho nhà thầu Việt?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thỏa thuận về tăng cường hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước Vietsovpetro/PVC-MS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió vừa được ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao năng lượng 2020 nhằm hiện thực hóa dự án điện gió với số vốn gần 12 tỷ USD tại Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Sự kiện này đánh dấu sự chuyển dịch của nhà thầu cơ khí Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội mở ra từ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ55).

Tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp

Để hướng tới phát triển bền vững về năng lượng, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành NQ55 với nhiều điểm mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN), trong đó có các nhà thầu cơ khí trong nước.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc đầu tư phát triển và dịch vụ thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho biết, NQ55 tạo ra cơ hội rất tốt để nhà thầu cơ khí trong nước tham gia sâu vào các dự án năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo nhằm hướng tới phát triển bền vững. “NQ55 khuyến khích tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng, tạo điều kiện để các nhà thầu cơ khí trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại các nhà máy”, ông Khanh nhấn mạnh và cho biết thực trạng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió trung bình chỉ ở mức 30% đối với dự án ngoài khơi và khoảng 40% với dự án trong bờ. Như vậy, khoảng 60% cơ hội tại các dự án điện gió đang thuộc về các nhà thầu nước ngoài.

Tương tự, đối với điện mặt trời, một nguồn tin từ Công ty CP Năng lượng tái tạo BIM cho biết, hiện các nhà thầu trong nước mới chỉ cung cấp được phần khung kết cấu (cọc và khung đỡ), còn lại các thiết bị khác đều phải nhập khẩu.

Riêng lĩnh vực chế tạo thiết bị cơ khí thủy công trong ngành điện, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, trước đây, chúng ta vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ phần này có thể do DN cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả thiết bị cho các nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La có công suất đến 2.400MW. Về chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, đến nay, DN trong nước có khả năng làm tổng thầu và chế tạo nhiều thiết bị phụ tải. Các dự án điển hình có DN Việt Nam làm tổng thầu như: Nhơn Trạch, Vũng Áng 1, Sông Hậu 1 với giá thành cạnh tranh và đến nay hoạt động rất ổn định. Tuy nhiên, ông Sáng cho biết, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 35% về thiết bị.

Cơ hội nào cho nhà thầu Việt?

Liên quan đến vấn đề nội địa hóa và cơ hội cho nhà thầu trong nước, có quan điểm cho rằng, các DN trong nước phải kết hợp được và liên kết với DN nước ngoài, chứ không nên mạnh ai nấy làm, thiếu sự kết nối, thì sẽ triệt tiêu đi rất nhiều lợi thế. Ông Khanh cho rằng, nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Lãnh đạo Vietsovpetro lấy ví dụ, một trụ điện gió ngoài khơi có trọng lượng khoảng 250 tấn như một tòa nhà, trong đó có cơ khí, điện, thủy lực, hệ thống máy lạnh… rất cần sự tham gia của các đối tác để hoàn thiện. Đây là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào dự án.

Còn theo ông Sáng, gần đây, khoảng 20 nhà đầu tư đến từ Hà Lan, Đan Mạch đã tiến hành khảo sát phát triển dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tại các cuộc làm việc, nhà đầu tư bày tỏ mong muốn về khả năng cung ứng các thiết bị cũng như dịch vụ khi họ phát triển dự án. Các nhà đầu tư cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể nắm bắt cơ hội phát triển lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ông Sáng cho rằng, trong các dự án sử dụng vốn nhà nước cho đầu tư phát triển năng lượng cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ để tạo thêm cơ hội cho nhà thầu trong nước. Ngoài ra, bản thân các nhà thầu cũng phải đầu tư để nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai NQ55 chính là cơ hội để tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến đầu tư sản xuất, thương mại, thị trường, từ đó không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn tính đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, đây là cơ hội cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế theo hướng xanh, sạch hơn, giảm phát thải. Theo hướng này, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng ngay các trung tâm R&D trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo để có thể tiệm cận và tiến tới làm chủ công nghệ. “Chúng ta không thể mãi chỉ nhập công nghệ phát triển nguồn điện, mà phải tiến tới làm chủ công nghệ, dẫn dắt và thậm chí đi trước về công nghệ theo hướng đầu tư các nhà máy sử dụng ít đất hơn, công suất lớn hơn, phát điện ổn định hơn, giảm ảnh hưởng môi trường và giảm giá thành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục