Yêu cầu đang đặt ra cấp bách tại Sacombank là nhanh chóng xử lý nợ xấu. Có nhà đầu tư, hay bất cứ cá nhân nào chứ không riêng hai đại gia trên, đều có thể nhảy vào “thâu tóm” đất vàng đó, miễn là giao dịch đúng pháp luật, đạt được giá cả thỏa thuận với chủ đất, để chủ đất có tiền trả nợ Sacombank.
Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa công bố thông tin về danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.
Những cái tên mới xuất hiện, trong đó thu hút sự chú ý thị trường là ông Nguyễn Đức Hưởng, người vừa từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Từ LienVietPostBank, một số thông tin bàn luận trên thị trường kết nối đến cái tên công ty Him Lam - một cổ đông lớn của ngân hàng này.
Từ những cái tên trên, có giả thiết đặt ra: liệu có tình huống LienVietPostBank cử người sang để chuẩn bị kế hoạch “thâu tóm” Sacombank hay không, công ty Him Lam - một đại gia bất động sản - cùng tham gia kế hoạch này vì tại Sacombank có nhiều địa chỉ vàng về bất động sản?
Tuy nhiên, đó lại là hai mạch giả thiết song song, tách bạch.
54% và người của Ngân hàng Nhà nước
Trước hết, ngay chữ “nhiệm kỳ” là điểm xuất phát đầu tiên. Sacombank phải tổ chức đại hội đồng cổ đông để bầu ra Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới cho nhiệm kỳ mới 2017-2021. Có cơ cấu nhân sự của nhiệm kỳ mới để triển khai các kế hoạch hoạt động, trong đó trọng điểm là đề án tái cơ cấu.
Đây cũng là cơ hội và thời điểm để Ngân hàng Nhà nước cử người vào, từ mà gần đây được dùng đến là “biệt phái”. Cơ quan này có quyền từ việc đại diện gần 54% vốn cổ phần Sacombank, qua đầu mối trực thuộc là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận ủy quyền từ nhóm cổ đông lớn khác.
Theo quy định, các nhóm cổ đông hoặc tổ chức được ủy quyền nắm tỷ lệ từ 10% cổ phần đều được quyền đề cử nhân sự để bầu vào hai cơ cấu trên. Việc nắm tới 54% là cũng là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng kiện toàn bộ máy Sacombank, sớm ổn định để đi vào xử lý những việc lớn khi thời gian không chờ đợi. Việc còn lại là chọn người mà thôi.
Ngoài ông Hưởng, trong danh sách đề cử còn có tên của hai người đến từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), dù hiện nay Vietcombank không hề sở hữu cổ phần Sacombank, mà được hiểu là do Ngân hàng Nhà nước tăng cường nhân lực.
Nhưng, như trên, có hai cái tên liên quan được chú ý hơn cả chứ không phải Vietcombank, là LienVietPostBank và công ty Him Lam. Tuy nhiên, người đề cử liên quan lại không đến từ cơ cấu sở hữu cổ phần của hai tổ chức đó, mà cũng do Ngân hàng Nhà nước biệt phái. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn là tổ chức có vai trò chính, với những đại diện chính trong đề cử cơ cấu nhân sự.
Thời gian qua đã có những tổ chức, nhóm nhà đầu tư đặt vấn đề mua cổ phần Sacombank, muốn có đủ tỷ lệ sở hữu quy định để đề cử người vào Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một thay đổi nào mới về tỷ lệ nắm giữ nói trên của Ngân hàng Nhà nước, cũng như không có chuyển nhượng nào sang công ty Him Lam hay LienVietPostBank.
Để thâu tóm một ngân hàng, trước hết phải nắm đủ tỷ lệ sở hữu chi phối. Muốn nắm được tỷ lệ đó thì phải mua. Ở đây, chưa ai mua và ai bán để dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu của cố đông lớn và mới.
54% cổ phần nói trên hiện là tài sản thế chấp vay vốn tại Sacombank. Như quan điểm Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thời gian qua và áp cho hiện nay, để mua thì nhà đầu tư phải có tiền thật, tiền tươi, xác minh rõ nguồn gốc là không vay mượn. Tất cả các cá nhân, tổ chức đều có quyền vào đàm phán để mua, theo quy định của pháp luật.
Giả sử, đàm phán thành công, mua bán thành công, tiền bán cổ phần được trả nợ cho Sacombank, giải chấp số cổ phần tương ứng. Theo giả thiết đó, tỷ lệ nắm giữ của Ngân hàng Nhà nước giảm xuống, ứng với tỷ lệ sẽ rút bớt người đề cử bầu vào hai cơ cấu trên. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ 54% đó vẫn nguyên mà chưa có thay đổi để nói đến một sự thâu tóm.
Giả sử nữa, có kế hoạch thâu tóm nào đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng đều được phép mua và sở hữu cổ phần Sacombank theo giới hạn pháp luật quy định. Hai cái tên LienVietPostBank và công ty Him Lam đều bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư, miễn sao đảm bảo yêu cầu về giới hạn sở hữu, về nguồn tiền minh bạch và thật, đảm bảo giới hạn chống sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng luật đã quy định.
Trong trường hợp nhà đầu tư bất kỳ và bình đẳng như nhau có đủ tỷ lệ sở hữu quy định để đề cử nhân sự vào Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, bước tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát các tiêu chuẩn về chuyên môn, lý lịch… để xét duyệt hay không.
Nếu bước qua được tất cả các quy định trên, bán được cổ phần lấy tiền trả nợ cho Sacombank, Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước giảm tỷ lệ nắm giữ, tiến tới rút hẳn, trả Sacombank lại cho thị trường và các cổ đông (bao gồm các cổ đông mới vào thay thế) tự quyết định theo khung khổ pháp lý quy định mà không can thiệp vào nữa.
Nhưng diễn biến đó đến nay chưa có bất kỳ một sự dịch chuyển tỷ lệ sở hữu hay giao dịch mua bán cổ phần liên quan nào, để định hình đến một khả năng thâu tóm.
“Đất vàng” tại Sacombank hay của Sacombank?
Ông Nguyễn Đức Hưởng nói rằng: nếu đúng hai đại gia Đặng Văn Thành và Dương Công Minh cùng hợp tác xử lý nợ xấu thì “thật có phước cho Sacombank”.
Sau thông tin trên, ông Hưởng bình luận thêm: “Tôi nghĩ ông Dương Công Minh cũng không có ý định khai thác bất động sản ở Sacombank vì các dự án Him Lam hiện có làm cả đời không hết. Vậy nên nếu ai đó làm Chủ tịch Sacombank mời được ông Đặng Văn Thành, ông Dương Công Minh và các đại gia bất động sản khác ở Sài Gòn cùng tham gia khai thác bất động sản để xử lý nợ xấu, thu hồi vốn là điều may mắn cho Sacombank”.
Theo ý trên, thâu tóm ngân hàng và thâu tóm bất động sản là khác nhau, hai mạch song song. Việc mua hoặc thâu tóm bất động sản tại Sacombank là bình thường, độc lập và không liên quan đến thâu tóm ngân hàng ở phương diện là chủ sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng đó.
Nói đúng hơn, đất vàng ở đây là tại Sacombank chứ không phải của Sacombank. Chúng là của các khách vay vốn thế chấp, các khoản vay đã thành nợ xấu và cần xử lý. Khách vay - chủ sở hữu bất động sản - phối hợp với ngân hàng bán chúng đi, lấy tiền để trả nợ cho Sacombank.
Yêu cầu đang đặt ra cấp bách tại Sacombank là nhanh chóng xử lý nợ xấu. Có nhà đầu tư, hay bất cứ cá nhân nào chứ không riêng hai đại gia trên, đều có thể nhảy vào “thâu tóm” đất vàng đó, miễn là giao dịch đúng pháp luật, đạt được giá cả thỏa thuận với chủ đất, để chủ đất có tiền trả nợ Sacombank. Giao dịch nếu có thành công ở đây thì cũng dứt gọn, Sacombank đạt được mục đích tối ưu là thu hồi được nợ chứ không bị “thâu tóm” bất cứ điều gì.
Vậy nên, càng có nhiều cá nhân, tổ chức “nhảy vào thâu tóm” bất động sản tại Sacombank, ngân hàng này càng có triển vọng xử lý nhanh tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu. Đó là lợi ích cho Sacombank.
Vấn đề là giả thiết “thâu tóm” thường đi cùng với quan ngại về giá cả, thất thoát tài sản. Nhưng, những giao dịch này phải tuân thủ các quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, thuận mua vừa bán và quyền lợi những ông chủ đất còn đứng ở đó. Chủ bất động sản bán được giá tốt thì càng có điều kiện trả nợ cho Sacombank, nếu bán thấp hơn thì phải bù thêm vào cho đủ trả khoản nợ.
Thế nên, trong quá trình tái cơ cấu tới đây, những địa chỉ vàng bất động sản đang thế chấp tại Sacombank càng bị “thâu tóm” nhanh, càng giải phóng nhanh được lượng tài sản thế chấp đó, càng có lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu và thu hồi nợ. Vì mục đích cuối cùng, ngân hàng thu lại được vốn vay, giảm được nợ xấu để nhẹ bước, thực hiện xong quyền lợi của mình mà có lẽ không cần quan tâm đất vàng đó thuộc về ai.