Bắt tay vào xử lý nợ xấu là một trong những quyết sách ưu tiên của tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. Theo đó, Quyết định 618 quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; Nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; Nguyên tắc xác định giá mua nợ; Nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; Xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
Đồng thời, Quyết định quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Công ty VAMC, tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường.
Tính từ khi thành lập (năm 2013) đến hết năm 2015, VAMC đã thực hiện mua được 24.512 khoản nợ tương ứng với 243.335 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 207.909 tỷ đồng. Trong đó, số nợ mà VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 22.783 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/ bán TSBĐ…).
Sau giai đoạn "gom nợ" khá thành công, góp phần đẩy lùi nợ xấu hệ thống ngân hàng xuống dưới 3%, dư luận kỳ vọng, từ năm 2016, VAMC sẽ xử lý được các khoản nợ đã mua.
Hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, chưa kể nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, đã có 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước (chủ yếu là DN nước ngoài) ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VAMC để tìm hiểu các khoản nợ. Tuy vậy, do vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý nên cho đến nay, việc bán nợ cho nhà đầu tư vẫn chưa thể triển khai, chưa kể nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn mua nợ với giá rẻ mạt. Do đó, phương án bán nợ (chủ yếu là tài sản bất động sản) khả thi nhất vẫn là nhắm tới các nhà đầu tư trong nước.