Tăng hiệu quả sử dụng đất qua đấu thầu dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển khai dự án đầu tư trên đất không phải chỉ là bán hoặc cho thuê quyền sử dụng đất mà Nhà nước phải quản lý tính hiệu quả của việc sử dụng đất. Do đó, bài toán đấu thầu dự án sử dụng đất sao cho việc đầu tư trên đất đạt hiệu quả cao nhất có ý nghĩa hơn bài toán thuần túy thu lợi ích kinh tế từ đất.
Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất mang tính toàn diện, không chỉ căn cứ vào mức thu giá trị đất đai, mà còn phân tích cả về hiệu quả phát triển dự án lẫn tính bền vững. Ảnh: Tiến Tân
Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất mang tính toàn diện, không chỉ căn cứ vào mức thu giá trị đất đai, mà còn phân tích cả về hiệu quả phát triển dự án lẫn tính bền vững. Ảnh: Tiến Tân

Nên tăng cường đấu thầu

Đó là quan điểm của GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức tuần qua.

Theo ông Đặng Hùng Võ, trong trường hợp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đấu giá là phương thức có thể ngăn chặn được tham nhũng về đất trong quá trình giao đất, cho thuê đất của Nhà nước. Đây là phương thức luôn đặt mục tiêu duy nhất là thu giá trị đất đai cao nhất, lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm năng tài chính lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ có thể xem xét và lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính cao mà không quan tâm tới các yếu tố bền vững của dự án đầu tư. Đấu giá cũng là phương thức có thể đẩy giá trị đất đai trên thị trường tăng ngày một cao, là một tác nhân tạo nên khuynh hướng giá nhà ở tăng cao, kích thích đầu cơ nhà ở…

Trong khi đó, đối với đấu thầu dự án có sử dụng đất, ông Võ cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mang tính toàn diện, không chỉ căn cứ vào tiêu chí duy nhất là mức thu giá trị đất đai, mà còn phân tích cả về hiệu quả phát triển lẫn tính bền vững. Thị trường bất động sản nhà ở nhờ đó có xu hướng ổn định hơn và có giá thấp hơn, khả thi hơn trong giải quyết nhà ở cho người dân; tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án đầu tư phù hợp với các điểm mạnh công nghệ của mình. Khi áp lực của việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá cao không còn, bộ máy quản lý sẽ tập trung vào khả năng thu từ giá trị tăng thêm của đất trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trên đất…

Từ những phân tích này, ông Đặng Hùng Võ nhận định, phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất cần được áp dụng đối với tất cả các dự án đầu tư mà Nhà nước thu hồi đất có mục tiêu lợi nhuận, kể cả trường hợp đã giải phóng mặt bằng hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Đấu giá đất thì áp dụng cho trường hợp nhà đầu tư chủ động tìm kiếm quỹ đất trên thị trường để thực hiện các dự án vì lợi ích của riêng mình, không gắn với lợi ích quốc gia, công cộng.

Quy định đồng bộ để tạo thuận lợi trong thực thi

Trong hồ sơ Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai, quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất cần được xây dựng phù hợp với chức năng điều chỉnh của từng luật, phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai quy định trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất, quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Hai luật đều đang trong quá trình sửa đổi là cơ hội để sửa đổi, bổ sung, giúp quy định đồng bộ, thống nhất, thực thi thuận lợi, hiệu quả hơn.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đề xuất sửa đồng thời cả ở Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất là hợp lý, tuy nhiên có một số điểm cần cân nhắc. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự thảo Luật Đất đai sẽ được xem xét, thảo luận và thông qua trong 3 kỳ họp, tức là kỳ họp tháng 10/2023 sẽ được cho ý kiến thông qua, còn Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được thông qua trong kỳ họp tháng 5/2023. Nếu đúng Chương trình, Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được thông qua trước và nhiều khả năng sẽ phát sinh hiệu lực trước Luật Đất đai (sửa đổi). “Như vậy, quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu nếu được thiết kế theo hướng dẫn chiếu sang quy định của pháp luật về đất đai dường như chưa phù hợp và khó áp dụng tại thời điểm Luật Đấu thầu (sửa đổi) phát sinh hiệu lực”, VCCI góp ý.

Ngoài ra, theo VCCI, so sánh trong mối tương quan với Luật Đầu tư 2020, việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. “Hướng quy định này dường như chưa thật phù hợp với Luật Đầu tư 2020. Do đó, cân nhắc quy định các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) thay vì Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Và hai dự thảo này cần xem xét để thống nhất trong quy định về các phương thức lựa chọn nhà đầu tư”, VCCI khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục