Tăng tính răn đe các vi phạm của nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam (VNPD) vừa ra quyết định cấm thầu 3 năm đối với Công ty TNHH Kỹ thuật và Thiết bị TB Hydro Việt Nam và cá nhân bà Ngô Thị Kim Tuyết - người đại diện theo pháp luật vì đã có hành vi gian lận trong đấu thầu. Đây chỉ là một trong số những trường hợp bị xử lý trong những tháng đầu năm 2023. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đấu thầu, Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định rõ hơn hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Trong quá trình tham dự Gói thầu thuộc Dự án Trường Tiểu học - THCS Hùng Vương, nhà thầu cố ý cung cấp thông tin, hồ sơ các hợp đồng tương tự, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình không trung thực, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trong quá trình tham dự Gói thầu thuộc Dự án Trường Tiểu học - THCS Hùng Vương, nhà thầu cố ý cung cấp thông tin, hồ sơ các hợp đồng tương tự, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình không trung thực, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Những nhà thầu “lĩnh án”

Theo thông báo của VNPD, Công ty TNHH Kỹ thuật và Thiết bị TB Hydro Việt Nam (TB Hydro) và bà Ngô Thị Kim Tuyết đã vi phạm Điểm c Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu do cung cấp sai hợp đồng chứng minh năng lực, kinh nghiệm trong hồ sơ dự thầu (HSDT), làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Cung cấp bộ làm mát gió máy phát Nhà máy Thủy điện Khe Bố do VNDP vừa làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Đầu tháng 6/2023, Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Nguyên Tâm Kon Tum bị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum cấm tham gia đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Ia H’Drai trong thời gian 5 năm. Nguyên nhân là trong quá trình tham dự Gói thầu Xây lắp công trình thuộc Dự án Trường Tiểu học - THCS Hùng Vương (điểm trường trung tâm), nhà thầu này cố ý cung cấp thông tin, hồ sơ các hợp đồng tương tự, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình không trung thực, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trước đó, tháng 5/2023, Cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải quyết định hủy thầu Gói thầu số 05 Tư vấn giám sát thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa cầu Roòn (Km606+418) Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, cấm Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2 tham gia đấu thầu các gói tư vấn giám sát thi công xây dựng trong phạm vi dự án do Ban Quản lý dự án 4 được giao quản lý trong 3 năm.

Cục Kiểm định Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan cấm Công ty CP Giải pháp đo lường và thiết bị công nghệ cao Mico Hitech (TP. Hà Nội) tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu do Cục mời thầu trong thời gian 2 năm, kể từ ngày 9/5/2023 do vi phạm Điểm a, Khoản 8, Điều 89 Luật Đấu thầu về việc chuyển nhượng thầu.

Trên đây chỉ là một số trường hợp nhà thầu bị “cấm cửa” trong 6 tháng đầu năm 2023, bởi theo Danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu được Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cập nhật thời gian gần đây, nhiều nhà thầu khác cũng bị “bêu tên”.

Thúc đẩy công bằng, minh bạch trong đấu thầu

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm nhằm tăng tính răn đe, thúc đẩy công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu (Điều 16).

Cụ thể, đối với hành vi thông thầu, Luật bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm. Đơn cử, Điểm c Khoản 3 Điều 16 quy định: “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu” là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Theo một chuyên gia về đấu thầu, quy định cấm này sẽ góp phần hạn chế hiện tượng “quân xanh - quân đỏ”, góp phần gia tăng tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu.

Đối với hành vi cản trở trong đấu thầu, Luật bổ sung quy định cấm đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng (Điểm đ Khoản 5 Điều 16); bổ sung hành vi cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu…

Đánh giá cao việc Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm, một nhà thầu tư vấn cho rằng, việc bổ sung thêm hành vi bị cấm trong đấu thầu như trên là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi sau khoảng 10 năm thực thi Luật Đấu thầu 2013, quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu vẫn chưa đầy đủ. “Tôi kỳ vọng việc bổ sung các hành vi bị cấm sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu thời gian tới”, đại diện nhà thầu bày tỏ.

Về chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, Điều 87 Luật Đấu thầu (sửa đổi) nêu rõ, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật này còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 5 năm.

Tin cùng chuyên mục