Tăng tốc triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 1 năm ngóng đợi, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/4/2024. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ vui mừng trước bước tiến này và mong muốn các cơ quan hữu trách sớm vào cuộc triển khai thực hiện Kế hoạch, góp phần hóa giải nỗi lo thiếu điện trong phát triển đất nước.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư triển khai các dự án điện. Ảnh: Lê Tiên
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư triển khai các dự án điện. Ảnh: Lê Tiên

Đáp ứng mong ngóng của nhà đầu tư

Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt Giống Việt - doanh nghiệp (DN) nghiên cứu về nguyên liệu đốt sản xuất điện sinh khối cho biết, Kế hoạch được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu phát triển năng lượng đặt ra tại Quy hoạch điện VIII, trong đó có mục tiêu phát triển điện sinh khối. Theo Kế hoạch được phê duyệt, tổng công suất điện sinh khối tới năm 2030 là 1.182 MW.

Theo ông Tùng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối. Xét riêng về nguồn sinh khối thực vật, Việt Nam là một trong số rất ít nước trên thế giới có vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi, có tiềm năng tạo ra nguồn sinh khối nông lâm nghiệp khổng lồ. Hàng năm, sản lượng xuất khẩu viên nén đốt của Việt Nam đạt 3 - 4 triệu tấn, đứng top đầu thế giới… Tuy nhiên, hiện phát triển nguồn điện này vẫn còn “điểm nghẽn”.

“Tín hiệu vui là tại Kế hoạch vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành khung giá cho các loại hình nguồn điện, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Dự kiến, tiến độ hoàn thành trong năm 2025”, ông Tùng chia sẻ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư điện gió tại khu vực phía Nam cho rằng, Kế hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư triển khai các dự án điện. Trong đó, các dự án đã nằm trong quy hoạch trước chưa thực hiện được sẽ tiến hành các bước tiếp theo để triển khai. Với các dự án mới, nhà đầu tư cũng có căn cứ để đề xuất.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành không chỉ là thông tin tích cực với nhà đầu tư trong nước, mà còn là tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Đại diện một số hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, việc ban hành Kế hoạch thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo đảm cung ứng điện cho phát triển cũng như thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Công ty CP Erex (Nhật Bản) cho biết, DN này rất quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sinh khối tại Việt Nam. “Hiện Erex đã đề xuất đầu tư 18 dự án điện sinh khối tại 14 tỉnh/thành phố của Việt Nam”, đại diện Erex thông tin.

Từ nay đến năm 2030, cần khoảng 3.223 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện truyền tải. Ảnh: Nhã Chi

Từ nay đến năm 2030, cần khoảng 3.223 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện truyền tải. Ảnh: Nhã Chi

Cần tăng tốc thực hiện

GS. VS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, vấn đề cốt lõi để thực hiện Quy hoạch điện VIII chính là nguồn vốn. Theo Kế hoạch vừa phê duyệt, từ nay tới năm 2030, Việt Nam cần một lượng vốn khổng lồ để hiện thực hóa mục tiêu Quy hoạch. Nguồn vốn huy động được sẽ quyết định tiến độ xây dựng các công trình điện đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Cụ thể, theo Kế hoạch, đối với nguồn vốn đầu tư công, cần khoảng 50 tỷ đồng cho các đề án/dự án ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực cho ngành điện; khoảng 29.779 tỷ đồng cho chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo (trong đó vốn chưa cân đối được hiện chiếm tới 70%). Đáng chú ý, toàn bộ các dự án nguồn và lưới điện truyền tải sẽ sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; tổng số vốn ước tính 3.223 nghìn tỷ đồng, tương đương 134,7 tỷ USD.

“Để huy động được lượng vốn cần thiết, việc thực hiện các giải pháp thu hút vốn từ các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng”, ông Long nhấn mạnh.

Tại Kế hoạch Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng khung giá truyền tải cho các dự án lưới điện truyền tải đầu tư theo hình thức xã hội hóa; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện dự án điện, hướng dẫn địa phương thực hiện; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường… Theo GS. VS. Trần Đình Long, đây là những nhiệm vụ rất quan trọng để mở con đường huy động vốn và cần tăng tốc thực hiện.

Một nhà đầu tư điện gió chia sẻ, các dự án điện, nhất là những dự án điện tái tạo trong Quy hoạch đều có vốn đầu tư lớn. Do đó, nhà đầu tư mong các cơ quan hữu trách sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy nhanh tiến độ dự án.

Về vấn đề khung giá điện, nhà đầu tư cho rằng, theo kế hoạch, đến năm 2025 mới hoàn thành khung giá điện cho các loại hình nguồn điện. Nếu chưa có một khung giá cụ thể thì nhà đầu tư cũng khó tính được bài toán hiệu quả đầu tư. Do đó, nhà đầu tư mong rằng, những nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch cần phải được các đơn vị liên quan vào cuộc triển khai ngay và đồng bộ.

Tin cùng chuyên mục