Các TCTD đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và cho vay thời gian tới. |
Trong bối cảnh vĩ mô hiện tại, giới phân tích tài chính nhìn nhận, khả năng tăng trưởng dư nợ năm nay sẽ thấp hơn con số 14% đặt ra hồi đầu năm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, tăng trưởng tín dụng năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2% với tốc độ tăng trưởng và mức trần tín dụng cho từng ngân hàng như hiện nay.
Tương tự, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể đạt 12-13% trong năm nay chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở những ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn như bất động sản, thép…
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng, với kịch bản tăng trưởng GDP thực tế đạt 6,6-6,8% và lạm phát bình quân là 3,5-4%, nếu không có sự thay đổi đáng kể thì mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay đạt khoảng 12-13%.
Hiện không ít ngân hàng cạn room tăng trưởng tín dụng đã đệ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin nới thêm để có dưa địa cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, song khả năng khó được chấp thuận.
Theo định hướng của NHNN, kể từ đầu năm 2019, các nhà băng có chất lượng tài sản tốt có thể được tăng hạn mức, nhưng đến nay mới có một số ngân hàng được tăng như ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank và MBBank từ 13% lên 17% - cũng là những ngân hàng đã áp dụng Basel II.
Nhiều ngân hàng khác dù đã hoàn tất Basel II, nhưng vẫn khó được nới room. 9 tháng qua, tín dụng một số ngân tăng cao như OCB, TPBank tăng 20%..., nhưng cũng có ngân hàng tăng trưởng thấp như BIDV, VietinBank và Eximbank, lần lượt đạt 8,6%, 3,2% và 3,3%, cách xa so với mục tiêu đặt ra đầu năm là 12%, 7% và 12,9%.
Mặt khác, xét về cân đối vĩ mô, theo VDSC, cần lưu ý tới sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa, nếu độ lệch quá cao thì đồng nghĩa với việc tiền trong nền kinh tế dư thừa và ngược lại.
Hiện nay, khoảng chênh lệch đang ở mức 5%, thấp hơn đáng kể so với năm 2015 và 2017, lần lượt là 7% và 11%.
Tại thời điểm cuối năm 2018, khoảng chênh lệch giảm về 3%, từ mức 6% trước đó, dẫn đến tăng trưởng tín dụng và cung tiền bị siết lại kể từ quý III/2018.
Khảo sát mới đây của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và cho vay trong thời gian tới.
Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, điều chỉnh giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018).
Dư nợ cho vay được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).
Các TCTD cũng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống 13,61% (tháng 9/2019), gần với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay.
Trong khi đó, theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng cho vay và huy động trong 9 tháng đầu năm đang chậm lại.
Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), trong hoạt động tín dụng, chất lượng tín dụng là điều quan trọng nhất.
Ông Ngân cho rằng, hoạt động tín dụng đã và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, qua đó cho thấy vốn ngân hàng đang được sử dụng ngày càng hiệu quả, nên không nhất thiết phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% bằng mọi giá.
“Hiện nay, Việt Nam đang tái cơ cấu thị trường tài chính với định hướng nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường chứng khoán để trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Vì vậy, việc giảm dư nợ tín dụng là cần thiết để tăng vốn hóa thị trường chứng khoán. Hướng đi này vừa thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, vừa đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng an toàn bền vững, đồng thời giúp giảm phụ thuộc vào tín dụng”, ông Ngân nhấn mạnh.