Nhiều ngân hàng đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 lên mức khá cao. Ảnh: Song Lê |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 6,48% của cùng kỳ năm 2020.
Kết quả nghiên cứu thị trường vừa được SSI Research công bố cho biết, NHNN vừa chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho một số ngân hàng từ 1 - 6%. Điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Tại Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát lần 4 với quy mô rộng làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021, và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.
Trong năm 2022, theo BSC, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng khoảng 13%, nhờ nền kinh tế tiếp tục hồi phục và các gói hỗ trợ kinh tế lớn có thể được triển khai để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu của BSC, tính đến hết quý III/2021, một số ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 6,3% đến trên 17%. Dự báo đến hết năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 13,8%. Trong đó, nhiều ngân hàng đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lên mức khá cao. Chẳng hạn, TPBank có mức tăng trưởng tín dụng được cấp cho cả năm lên đến 23,4%. Con số này của các ngân hàng Techcombank, Maritime Bank, MB Bank, VIB và VPBank lần lượt là 22,1%, 22%, 21%, 19,1% và 17,1%.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với đà tăng từ đầu năm đến nay cùng với việc nhiều ngân hàng vừa được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt mức 13 - 14%.
“Năm 2022, chắc chắn tăng trưởng tín dụng ít nhất cũng ở mức của năm 2021. Bởi vì ngoài sức tăng thông thường, các gói hỗ trợ lãi suất đang được xây dựng sẽ là lực đẩy đáng kể. Nếu gói hỗ trợ lãi suất 20 nghìn tỷ đồng áp dụng cho năm 2022 và năm 2023, với mức hỗ trợ lãi suất 2 - 3% thì tổng dư nợ tín dụng được hưởng ưu đãi khoảng 350 - 500 nghìn tỷ đồng/năm, tương ứng mức tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 3 - 4%. Cùng với dư địa tín dụng tăng trưởng tự nhiên khoảng 9 - 10%, tổng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 khoảng 13 - 14% hoặc cao hơn một chút”, ông Lực nói.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính, với các kế hoạch phục hồi kinh tế đang được tính toán, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất dự kiến ở mức 20 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể cao hơn năm nay. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá lớn bởi các cơ quan chức năng đã nêu rõ chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng để phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế.
Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, NHNN khẳng định tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần, nhưng không đặt ra vấn đề hạ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng để bảo đảm an toàn.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động lan truyền.
NHNN đang phối hợp với các cơ quan để tính toán gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát, rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.