Tạo nguồn nhân lực đấu thầu chuyên nghiệp

(BĐT) - Là cơ sở duy nhất trong hệ thống giáo dục của Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành quản lý đấu thầu, Khoa Quản lý đấu thầu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển được kỳ vọng là “cái nôi” đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đấu thầu chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu ở nước ta.
Cơ hội nghề nghiệp về chuyên ngành đấu thầu đang rất rộng mở so với nhiều lĩnh vực khác
Cơ hội nghề nghiệp về chuyên ngành đấu thầu đang rất rộng mở so với nhiều lĩnh vực khác

Coi đấu thầu là một ngành nghề

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Trưởng khoa danh dự Khoa Quản lý đấu thầu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, Khoa Quản lý đấu thầu được thành lập với mục đích đào tạo bậc cử nhân chuyên ngành quản lý đấu thầu.

Luật Đấu thầu 2013 ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý đấu thầu theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu. Ông Tăng nhấn mạnh: Luật Đấu thầu dựa trên những nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, đồng thời quy định các trình tự, thủ tục, quy trình nghiệp vụ rõ ràng, minh bạch để thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, bản thân các điều luật không thể mặc nhiên tự thân đi vào đời sống. Thực tiễn và theo Luật Đấu thầu, hoạt động của các chuyên gia đấu thầu cần phải được coi như một ngành nghề.

Khoa Quản lý đấu thầu có nhiệm vụ xây dựng một chương trình đào tạo đấu thầu cho quốc gia, một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Chương trình đào tạo mang nội dung đa ngành sẽ tập trung vào các nội dung chính về pháp lý, thể chế, quản lý và kinh tế trong công tác quản lý hoạt động đấu thầu.

Về chương trình đào tạo, TS. Nguyễn Thế Vinh, Phó Trưởng khoa Khoa Quản lý đấu thầu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết thêm: Ngoài các môn học theo chương trình khung của Khối ngành kinh tế, sinh viên chuyên ngành quản lý đấu thầu còn được trang bị các kiến thức chuyên ngành bao gồm: Hệ thống pháp luật về đấu thầu; Các mô hình tổ chức mua sắm công và kết nối với quản trị chi tiêu công; Kinh tế học của quản trị đấu thầu, lý thuyết trò chơi và đấu giá ngược; Quản trị đấu thầu của Hợp đồng cung cấp; Đấu thầu hàng hóa; Quản lý nhà nước về đấu thầu…

Điểm khác biệt

Nhấn mạnh điểm khác biệt của Khoa Quản lý đấu thầu trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam, đại diện Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: Khoa Quản lý đấu thầu của Học viện hiện là cơ sở duy nhất trong hệ thống giáo dục của Việt Nam đào tạo và cấp bằng cử nhân về đấu thầu. Hiện một số trường đại học có đào tạo về đấu thầu, song cũng chỉ trong cấp độ một bộ môn, hoặc một số môn học về đấu thầu. Ở các trường này chỉ đào tạo cơ bản, chứ chưa đào tạo chuyên sâu về đấu thầu, chưa đào tạo cử nhân đấu thầu chuyên nghiệp.

Mục tiêu của Khoa là đào tạo sinh viên khi ra trường làm đấu thầu chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực đấu thầu. Đại diện Học viện Chính sách và Phát triển cho biết thêm: Trong một kết quả khảo sát gần đây của Học viện thì nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) về sinh viên chuyên ngành đấu thầu là rất lớn. Đấu thầu cũng là một nghề như kế toán, kỹ sư xây dựng,… Trong tương lai, cơ hội nghề nghiệp về chuyên ngành đấu thầu rất rộng mở so với nhiều lĩnh vực khác.

Với quy mô khoảng 50 sinh viên/khoá, hiện Khoa đã tuyển sinh 2 khóa và đang chuẩn bị tuyển sinh khóa thứ 3.

Tin cùng chuyên mục