Từ cuối tháng 4 trở lại đây, có gần 30 ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Ảnh: Tường Lâm |
Lãi suất huy động tăng khiến khó giảm lãi suất cho vay
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank và các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước sẽ tiên phong trong việc tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay, song sẽ rất khó khăn trong bối cảnh áp lực lãi suất huy động vốn đang tăng lên.
Bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc VPBank cho biết, thời gian qua, VPBank đưa ra nhiều giải pháp giảm lãi suất đối với các khoản vay có tài sản thế chấp. Tính đến ngày 31/5, lãi suất cho vay thế chấp ngắn hạn đối với khoản nợ phát sinh mới tại ngân hàng giảm 4,24% so với đầu năm 2023. “Với chi phí huy động cao, nhiều sản phẩm tín dụng không có lãi, Ngân hàng phải rà soát lại cơ cấu danh mục để thúc đẩy cho vay hiệu quả hơn”, bà Thảo chia sẻ.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm sâu trong 2 năm qua, cho thấy quyết tâm của toàn ngành ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Quang nhận định, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là thách thức không nhỏ đối với hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang chịu áp lực cạnh tranh với các lĩnh vực đầu tư khác có sinh lời hấp dẫn như cổ phiếu, vàng… Thời gian qua, thanh khoản hệ thống dồi dào nhưng nếu tín dụng ấm trở lại, sẽ rất khó duy trì lãi suất huy động. “Từ cuối tháng 4 trở lại đây, có gần 30 ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Các ngân hàng cần phải kiểm soát tốt nguồn vốn huy động cũng như chi phí đầu vào, bởi nếu không thì việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay là rất thách thức”, ông Quang nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy cho rằng, sau khi được nới lỏng một thời gian dài, chính sách tài khóa cũng như tiền tệ đã bị kéo căng hết mức. Về phía tiền tệ, lãi suất đã giảm xuống mức “thấp nhất 20 năm” và không thể giảm thêm. Trong khi đó, giảm sâu lãi suất VND đang gây sức ép lên các cân đối vĩ mô quan trọng, rõ rệt nhất là tỷ giá và bong bóng tài sản.
Theo đó, kể từ đầu năm nay, đồng VND đã mất giá xấp xỉ 5% so với USD. Về thị trường tài sản, trong giai đoạn 2021 - 2022, một đợt sóng tăng giá chứng khoán và sau đó là bất động sản đã diễn ra trên diện rộng và giảm nhiệt vào cuối 2022 khi lãi suất điều hành tăng vào tháng 9 và 10/2022. Tuy nhiên, khi lãi suất được giảm trở lại vào đầu 2023, một đợt tăng giá bất động sản khác lại đang manh nha.
Cần chia sẻ với doanh nghiệp và người dân
Mặc dù nhìn nhận nỗ lực giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn song ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, thời điểm này là lúc các NHTM cần chia sẻ thực chất hơn với doanh nghiệp bằng cách tăng lãi suất cho vay chậm hơn.
Theo ông Linh, lãi suất cho vay, yếu tố quyết định đến hỗ trợ tăng trưởng lại không nhất thiết phải tăng theo lãi suất huy động. Nhìn lại thời gian đại dịch Covid-19, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay chậm hơn lãi suất huy động và nhờ đó tăng mạnh lợi nhuận. Chính phủ đã ra chỉ thị là phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2024. Như vậy, chính sách tiền tệ và định hướng lãi suất trong năm 2024 cần phải rất linh hoạt theo hướng tăng dần lãi suất huy động VND để hỗ trợ ổn định tỷ giá, giảm bớt đầu cơ hình thành bong bóng tài sản, trong khi cố gắng giữ, giảm hoặc tăng chậm lãi suất cho vay, từ đó có thể bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong năm 2024 và năm 2025.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dù giá vốn tín dụng khá rẻ song tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp cho thấy nhu cầu vốn tín dụng trong nền kinh tế chưa thực sự hồi phục. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khả quan trong năm nay, bên cạnh nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp hợp lý, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu mạnh mẽ hơn, đơn cử như đẩy nhanh việc hoàn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc tăng mức giảm trừ gia cảnh để tăng khả năng chi tiêu của người dân.