Hoạt động của Quỹ bảo hiểm xã hội được đánh giá là rất hiệu quả. Ảnh: LTT |
Hiện có quá nhiều quỹ tài chính nằm ngoài ngân sách. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các quỹ này?
Hiện tại chúng ta có một số quỹ tài chính ngoài ngân sách đang quản lý, sử dụng một số tài sản rất lớn và hoạt động rất hiệu quả như Quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước, Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế… Bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều quỹ được thành lập ở Trung ương và địa phương đã và đang góp phần tích cực trong huy động tập trung nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cùng với NSNN giải quyết tốt hơn một số nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên, thưa ông?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là thời gian vừa qua chúng ta cho phép thành lập quá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách. Thứ hai là khâu kiểm tra, giám sát, kiểm soát còn lỏng lẻo. Hiện tại, các quỹ tài chính ngoài ngân sách chỉ gửi báo cáo ra Quốc hội, trong đó có những quỹ chỉ báo cáo Quốc hội khi có yêu cầu nên ngay cả Quốc hội cũng rất khó giám sát.
Đối với các quỹ có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ trùng lặp; các quỹ mà nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng lắp với hoạt động thu - chi của NSNN; các quỹ đầu tư có tính chất sinh lời thì phải xây dựng phương án chuyển đổi mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ để phát huy hiệu quả, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Còn đối với các quỹ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc hoạt động không hiệu quả, các quỹ đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao thì kiên quyết cho dừng hoạt động, giải thể. Và phải thống nhất quan điểm chỉ thành lập quỹ mới trong trường hợp thật cần thiết và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng luật nào được xây dựng mới, sửa đổi bổ sung cũng có điều khoản là thành lập quỹ và yêu cầu NSNN phải bảo đảm nguồn tài chính.
Giải tán quỹ tài chính ngoài ngân sách không khó. Nhưng thưa ông, vấn đề là tài sản, nguồn vốn và đặc biệt là hàng chục ngàn lao động đang làm việc tại các quỹ thì xử lý thế nào?
Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ của Nhà nước, vì thế, xử lý tài sản, và nguồn vốn không khó, hiện đã có quy định về việc xử lý tài sản nhà nước. Riêng vấn đề người lao động làm việc tại các quỹ, họ là công chức, viên chức nên xử lý phải hết sức thận trọng vì ảnh hưởng tới cuộc sống không phải của riêng họ mà cả gia đình họ. Vấn đề này, theo tôi giải quyết theo các cơ chế xử lý lao động dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế.
Các quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện đang nắm giữ hàng triệu tỷ đồng nhưng chưa được quản lý thống nhất bằng một luật chung. Theo ông có cần thiết phải luật hóa tổ chức, hoạt động của quỹ tài chính ngoài ngân sách?
Tôi đã từng một số lần phát biểu ở Quốc hội là để quản lý thống nhất nguồn lực tài chính công, cần ban hành hành đồng bộ hóa các luật có liên quan. Hiện chúng ta đã có Luật Đầu tư công, Luật NSNN… Tuy nhiên, một số hoạt động của tài chính công, như quỹ tài chính ngoài ngân sách thì chưa có đạo luật để quản lý từ cơ sở hình thành, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động. Chính vì chưa có luật nên đã dẫn tới tình trạng một đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chẳng hạn được rất nhiều quỹ hỗ trợ, nhưng do nguồn vốn không tập trung, hỗ trợ phân tán nên kém hiệu quả. Vì vậy, để sử dụng nguồn tài chính công hiệu quả, công khai, minh bạch, tôi cho rằng, Quốc hội nên sớm ban hành luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN.