Thành viên tổ chuyên gia đấu thầu: Có hay không việc “mượn đầu heo nấu cháo”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vừa qua, Báo Đấu thầu liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều cá nhân có chứng chỉ hành nghề đấu thầu (CCHNĐT) về việc bị mạo danh, giả chữ ký trong các báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhiều gói thầu. Họ lo ngại việc bị mạo danh, kê khai với tư cách thành viên tổ chuyên gia đấu thầu (TCGĐT) không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tổ chuyên gia đấu thầu được bên mời thầu thành lập gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để đánh giá hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Tổ chuyên gia đấu thầu được bên mời thầu thành lập gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để đánh giá hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Ông Lê Hồng Phong (CCHNĐT số C.01.25.14940 cấp ngày 2/10/2020) phản ánh, qua tra cứu thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, ông phát hiện có tên cùng CCHNĐT của mình trong danh sách thành viên TCGĐT tại nhiều gói thầu ở Bạc Liêu, Trà Vinh Long An, Gia Lai, mà ông chưa từng hợp tác, làm việc. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng tổng hợp Sài Gòn đã kê khai ông Phong với tư cách tổ trưởng/tổ viên TCGĐT của 47 gói thầu; Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bảo Tín Bình An kê khai tại 21 gói thầu; Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng HĐT 79 kê khai tại 9 gói thầu; Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Đăng Quang kê khai tại 2 gói thầu; Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Nam Quốc kê khai tại 1 gói thầu… Các gói thầu nêu trên đều mời thầu từ năm 2022 - 2023.

Riêng trường hợp tại Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Nam Quốc, ông Phong cho biết từng thử việc 2 tháng tại công ty này nhưng do môi trường làm việc không phù hợp nên đã xin nghỉ việc từ tháng 7/2021.

Tương tự, ông Nguyễn Viết Thành (CCHNĐT số C.02.07.1840 cấp ngày 16/3/2023; CCHNĐT trước đó là C.01.07.1840 cấp ngày 16/3/2018) và bà Hoàng Thị Hằng (CCHNĐT số C.02.07.1763 cấp ngày 16/3/2023; CCHNĐT trước đó là C.01.07.1840 cấp ngày 16/3/2018) phản ánh bị một số đơn vị tư vấn đấu thầu (ĐVTVĐT)/bên mời thầu (BMT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng tên và số CCHNĐT của 2 cá nhân này trong danh sách thành viên TCGĐT tại hàng loạt báo cáo đánh giá HSDT từ năm 2019 đến nay. Hai cá nhân này nhấn mạnh, hiện chỉ làm việc tại một đơn vị duy nhất, không hề hợp tác với các chủ đầu tư/BMT của các gói thầu/dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ khi được cấp CCHNĐT đến nay.

Ông Nguyễn Viết Thành chia sẻ, ông là giám đốc một ĐVTVĐT được thành lập từ năm 2011. Trước đây, doanh nghiệp của ông nộp hồ sơ năng lực tại một số chủ đầu tư/BMT ở Đồng Nai. Ông Thành phán đoán, rất có thể các BMT này đã sử dụng hồ sơ năng lực, trong đó có thông tin, CCHNĐT của ông để đưa vào danh sách thành viên các TCGĐT.

Các cá nhân trên lo ngại, việc bị giả mạo, sử dụng thông tin cá nhân tham gia vào thành viên TCGĐT sẽ ảnh hưởng đến uy tín, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nếu các gói thầu/dự án phát sinh kiến nghị, sai phạm trong quá trình đấu thầu…

Để có thêm thông tin, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với các ĐVTVĐT/BMT bị phản ánh. Trong đó, đại diện Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Đăng Quang cho biết, Công ty có quen biết và hợp tác với tư vấn đấu thầu tên Lê Hồng Phong và có hỏi ý kiến, mời hợp tác trong TCGĐT một số gói thầu theo hình thức “thỏa thuận miệng”. Liên quan tới phản ánh mà Báo Đấu thầu tiếp nhận từ ông Lê Hồng Phong, đại diện Công ty Đăng Quang cho biết, sẽ làm việc với cá nhân này và phản hồi lại.

Đại diện Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bảo Tín Bình An cho biết, Công ty đã từng “thỏa thuận miệng” với ông Lê Hồng Phong. “Nếu nhân sự đã phản ánh như vậy thì từ giờ chúng tôi không đưa tên nhân sự vào thành viên TCGĐT nữa”, đại diện Công ty Bảo Tín Bình An nói.

Một đơn vị tư vấn khác chia sẻ, việc đưa nhân sự này vào làm thành viên TCGĐT dựa trên tài liệu chuyên gia do chủ đầu tư/BMT cung cấp.

Theo chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng, trách nhiệm của BMT khi lựa chọn nhà thầu là phải thành lập tổ chuyên gia, gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Các nhân sự trong TCGĐT nếu không phải là nhân sự của ĐVTVĐT/BMT thì phải có hợp đồng chứng minh khả năng huy động nhân sự tham gia; cần thiết có bản gốc CCHNĐT của nhân sự để đối chiếu với bản công chứng/chứng thực.

Khi phát sinh sự việc như trên, vị chuyên gia này cho biết, các cá nhân phải có đơn khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền, bên thứ 3 vào cuộc kiểm tra hồ sơ, xử lý… để có kết luận dựa trên chứng cứ, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cá nhân phản ánh có đúng không, ĐVTVĐT hay BMT làm sai trong việc mạo danh, giả chữ ký, đưa thông tin của cá nhân vào TCGĐT? Từ đó có chế tài xử lý trong đấu thầu. Nếu đơn vị tư vấn tự ý đưa nhân sự tham gia vào TCGĐT là hành vi khai khống, gian lận nhân sự sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu; nếu BMT là các đơn vị trực thuộc cơ quan, ban ngành ở địa phương thì cần làm rõ trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục