Ảnh: Nhã Chi st |
Bỗng dưng thất thoát nghìn tỷ
Nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ bất ngờ nói trên không đến từ sụt giảm doanh thu (mặc dù doanh thu sụt giảm đáng kể), mà đến từ việc thất thoát hàng tồn kho. Theo con số được Gỗ Trường Thành công bố, Công ty phát hiện tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê. Thủ tục kiểm kê đã được tiến hành theo hợp đồng giữa Gỗ Trường Thành và một trong những công ty kiểm toán uy tín nhất là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Với con số hao hụt này, trong riêng quý II, Gỗ Trường Thành lỗ tới 1.123,7 tỷ đồng, 6 tháng lỗ 1.072,7 tỷ đồng. Cùng kỳ 2015, Gỗ Trường Thành lãi lần lượt 102 tỷ đồng và 130 tỷ đồng.
Sự cố liên quan đến hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành chính thức được phanh phui sau những phát biểu từ phía đối tác chiến lược Tân Liên Phát, và Gỗ Trường Thành thừa nhận những sai sót mà đối tác nhắc đến - liên quan đến hàng tồn kho và nợ phải thu. Phản ứng trước thông tin này, cổ phiếu TTF đã có 10 phiên liên tiếp giảm sàn. Phiên giao dịch 2/8/2016, nhà đầu tư đua nhau tháo chạy khỏi TTF, dư bán hàng triệu đơn vị ở mức giá sàn. Chưa nói đến tình hình kinh doanh, giá cổ phiếu lao dốc đã mang đến tổn thất cực kỳ lớn cho cổ đông, những ông chủ đích thực của Gỗ Trường Thành.
Hiện vẫn chưa rõ Gỗ Trường Thành có tìm ra cá nhân phải chịu trách nhiệm về thất thoát gần 1 nghìn tỷ nói trên, và ứng xử cụ thể của lãnh đạo công ty này. Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức gần đây, Chủ tịch HĐQT Võ Trường Thành cho biết, nếu đó là sai phạm do quản trị yếu kém, gây mất tài sản thì sẽ có người phải chịu hoàn toàn thiệt hại. Còn nếu xuất phát từ việc có người rút ruột tài sản của Công ty, người đó phải chịu toàn bộ những vấn đề về pháp luật.
Rắc rối của Gỗ Trường Thành liên quan đến hàng tồn kho có thể không chỉ dừng lại ở chỗ thất thoát tài sản.
Trước mắt, thất thoát này khiến hợp đồng chuyển đổi khoản vay trị giá trên 1.200 tỷ đồng đối với Tân Liên Phát buộc phải tạm dừng. Ngoài ra, theo thông tin từ Gỗ Trường Thành, một phần giá trị hàng tồn kho cuối quý II năm nay đã được cầm cố, thế chấp tại Đông Á Bank (DAB) và Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn. Chính vì vậy, không ngoại trừ trường hợp các nhà băng sẽ phải “ra tay” với Gỗ Trường Thành khi tài sản cầm cố có vấn đề.
Tại thời điểm cuối quý II/2016, Gỗ Trường Thành vay ngắn hạn SHB và DAB tổng cộng 181 tỷ đồng.
Doanh thu và LNST của Gỗ Trường Thành (Đơn vị: Tỷ đồng)
Chuyện dài kỳ
Năm 2014, Gỗ Trường Thành chính thức thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài hàng năm (từ năm 2011) với nỗi lo về dòng tiền về cơ bản được khắc phục. Khi đó, hàng tồn kho cũng là trung tâm của câu chuyện thoát hiểm nói trên.
Nhắc đến Gỗ Trường Thành, giới kinh doanh nghĩ ngay đến gỗ Teak, một loại gỗ thuộc phân khúc cao cấp, đã trở thành một dấu ấn trong lịch sử kinh doanh của Công ty.
Từ năm 2007 trở về trước, gỗ Teak với đặc tính quý hiếm và cao cấp tăng giá đều đặn 12 - 20% mỗi năm, trong khi lãi suất ngân hàng chỉ ở vào khoảng 9 - 10%/năm. Với lượng tồn kho lớn gỗ Teak, Gỗ Trường Thành đã gặt hái lợi nhuận đáng kể trong thời kỳ này. Lạc quan với tình hình tăng trưởng lợi nhuận, doanh nghiệp này quyết định vay ngân hàng để đầu tư vào hàng tồn kho, đón đầu việc tăng giá của loại gỗ đặc biệt này.
“Người tính không bằng trời tính”, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã khiến thị trường xuất khẩu của Gỗ Trường Thành gặp khó khăn, nhất là với phân khúc sản phẩm cao cấp sản xuất từ gỗ Teak. Công ty bị mắc kẹt với khối lượng gỗ Teak khổng lồ và những món nợ ngân hàng! Những khó khăn về dòng tiền của Gỗ Trường Thành bắt đầu từ đây, khi Công ty không đủ tiền để đưa vào sản xuất, trong khi hàng tồn kho không thể giải phóng được.
Trước những khó khăn này, Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường chứng khoán lên phương án phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá, và thành công. Cùng với việc bán nợ xấu, xóa lãi vay…, cuối cùng Gỗ Trường Thành cũng thoát hiểm ngoạn mục. Gặp và ký hợp đồng hợp tác với Tân Liên Phát, một trong các công ty con của Tập đoàn Vingroup, là một cột mốc của Gỗ Trường Thành được cổ đông kỳ vọng. Nếu hợp đồng với Tân Liên Phát suôn sẻ, Gỗ Trường Thành sẽ có cơ hội cung cấp nội/ngoại thất với khối lượng khổng lồ, đủ để Công ty gặt hái lợi nhuận lâu dài.
Thế nhưng, một lần nữa, hàng tồn kho lại tiếp tục gây họa cho Gỗ Trường Thành, theo một cách hoàn toàn khác, và nghiêm trọng hơn rất nhiều!