Thêm cơ hội cho DN Việt tại các gói thầu ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ có nội dung về nội địa hóa thiết bị ngành điện và xây dựng phát triển cơ khí điện. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để hàng nội địa góp mặt nhiều hơn tại các dự án ngành điện, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho ngành cơ khí điện nói riêng, doanh nghiệp (DN) Việt nói chung.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ có nội dung về nội địa hóa thiết bị ngành điện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ có nội dung về nội địa hóa thiết bị ngành điện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Dự thảo Quy hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 là 99,3 tỷ USD (nguồn điện là 85,7 tỷ USD, lưới điện là 13,6 tỷ USD); giai đoạn 2031 - 2045 cần khoảng 180 tỷ USD (nguồn điện là 163,1 tỷ USD; lưới điện là 16,9 tỷ USD). Trong đó, một phần vốn không nhỏ dùng để mua sắm thiết bị ngành điện và theo nhiều chuyên gia, đây chính là cơ hội để các nhà thầu cơ khí trong nước tham gia cung ứng.

Tại Dự thảo mới được cập nhật, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp về nội địa hóa thiết bị ngành điện và xây dựng phát triển cơ khí điện theo hướng có chính sách ưu đãi trên cơ sở phù hợp với các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các văn bản pháp luật liên quan để tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước, ràng buộc trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm sản xuất trong nước trong các dự án đầu tư của ngành điện.

Cụ thể, đối với dự án PPP, hợp đồng dự án cần đưa các điều kiện ràng buộc về sử dụng các sản phẩm cơ khí trọng điểm sản xuất trong nước.

Đồng thời, các bên liên quan cần quy định rõ nội dung ưu đãi khi lập hồ sơ mời thầu (HSMT) cho các gói thầu có sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm. “Trường hợp gói thầu có cấu phần xây lắp, trong HSMT cần quy định rõ nhà thầu nước ngoài khi tham dự phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu”, Dự thảo nêu rõ.

Bên cạnh đó, HSMT gắn cơ chế hỗ trợ đầu tư và đa dạng hóa nguồn vốn, thu hút sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài vào công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị, phụ tùng của ngành điện; các cơ sở sản xuất thiết bị, phụ tùng phấn đấu để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; hình thành một số liên hợp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị điện, các nhà máy cơ khí chế tạo để làm nòng cốt; xây dựng cơ chế ràng buộc tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo cho các DN cơ khí trong nước thực hiện trong các dự án điện…

Đánh giá cao những đề xuất tại Dự thảo, một chuyên gia thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho rằng, đối với các gói thầu EPC lựa chọn nhà thầu quốc tế, trong HSMT, chủ đầu tư, bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu quốc tế tham dự phải liên danh với nhà thầu trong nước nhằm tạo điều kiện chắc chắn cho DN Việt có cơ hội thực hiện. Đồng thời, điều này cũng tạo thuận lợi cho chủ đầu tư trong công tác quản lý.

Mặt khác, với trường hợp những gói thầu EPC mà chủ đầu tư có thể tách được thành các gói thầu nhỏ hơn để triển khai thực hiện thì đây chính là cơ hội để các nhà thầu cơ khí trong nước vừa thúc đẩy chế tạo vừa cung cấp hàng hóa. Phía chủ đầu tư thì tối ưu được chi phí mua sắm hàng hóa…

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, có 2 nội dung cần phải lưu ý trong Dự thảo để tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị ngành điện. “Một là, đối với các dự án nhiệt điện than, theo Dự thảo, số dự án điện than còn ít, nhưng khả năng tỷ lệ nội địa hóa là rất lớn, khoảng trên 30%. Trên thực tế, nhà thầu cơ khí Việt Nam đã cung cấp nhiều thiết bị cơ khí cho các dự án này. Hai là cơ hội nội địa hóa thiết bị cơ khí tại các dự án nhiệt điện khí”, ông Sáng nói.

Bên cạnh đó, đề xuất “có giải pháp về nội địa hóa thiết bị ngành điện và xây dựng phát triển cơ khí điện theo hướng có chính sách ưu đãi trên cơ sở phù hợp” là khá chung chung, rất khó thực hiện. Do đó, cần đưa vào Dự thảo Quy hoạch một con số cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa cho nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí… Hơn nữa, Bộ Công Thương cần phải khẩn trương đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để đạt mục tiêu nội địa hóa.

Tin cùng chuyên mục