Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng lên cao khiến cơ hội phục hồi của thị trường trong tuần tới (từ 29/10-2/11) không được đánh giá cao.
Tâm lý thận trọng của giới đầu tư khiến thanh khoản của thị trường chỉ đạt mức thấp. Cụ thể, thanh khoản trong tuần qua mặc dù tăng nhẹ so với tuần trước, nhưng chỉ đạt hơn 4.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua kém sôi động và khối này tiếp tục bán ròng gần 338 tỷ đồng trên cả hai sàn. Cụ thể, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 413 tỷ đồng và mua ròng trên HNX hơn 75 tỷ đồng.
Một tuần chứng khoán Việt giảm mạnh khi các chỉ số lần lượt mất các ngưỡng kháng cự quan trọng.
Cụ thể tuần qua, thị trường tiếp tục giảm điểm trên cả hai sàn với năm phiên sụt giảm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch từ 22-26/10, VN-Index giảm 57,54 điểm xuống 900,82 điểm; HNX-Index giảm 6,31 điểm xuống 101,79 điểm.
Giới phân tích cho rằng diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam khiến các chỉ số giảm điểm mạnh trong tuần thứ tư liên tiếp.
Nhận định về thị trường chứng khoán châu Á, ông Stephen Innes, người phụ trách bộ phận thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OANDA, cho rằng không giống như đợt bán tháo trước thường ảnh hưởng cùng một lúc tới một hay hai lĩnh vực, đợt bán tháo mới nhất trên các thị trường chứng khoán châu Á diễn ra hoàn toàn khác khi rủi ro địa chính trị gia tăng, lãi suất đang tăng nhanh và môi trường tài chính kém thuận lợi.
Giám đốc Đầu tư của Statewide Super, ông Con Michalakis nêu quan điểm, tình trạng thiếu ổn định sẽ còn gia tăng trong thời gian tới và đây sẽ là “nét đặc trưng” của thị trường.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn những lực cản lớn, khi vào tháng 11 tới Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định tiếp tục tăng lãi suất chủ đạo.
Xét về những yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam, điểm cộng quan trọng dành cho thị trường là bối cảnh vĩ mô của Việt Nam vẫn đang rất tốt.
Theo dự đoán của Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service, sau khi đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong sáu năm là 6,8% vào năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.
Bên cạnh việc nền kinh tế tăng trưởng cao thì nhiều doanh nghiệp cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3 và chín tháng năm 2018.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, tính đến hết ngày 24/10, đã có 449 doanh nghiệp niêm yết trên HSX, HNX và Upcom công bố kết quả kinh doanh chín tháng năm 2018; trong đó có 388 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 86%. Lợi nhuận sau thuế của 449 doanh nghiệp này đạt 70.315 tỷ đồng, tăng 31,1% so với mức 56.615 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017.
Theo ngành, các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như dầu khí, bất động sản hay ngân hàng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, lần lượt là 70,1%, 50,5% và 48%. Tuy nhiên những thông tin kết quả kinh doanh tích cực không có nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư và thị trường vẫn giảm sâu.
Lý giải điều này, chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho rằng do thông tin kết quả kinh doanh quý 3 được công bố đúng giai đoạn thị trường điều chỉnh, mặt khác những thông tin này phần nào được dự báo và phản ánh dần vào giá trong giai đoạn vừa qua nên không có nhiều tác dụng hỗ trợ thị trường.
Xét về nội tại diễn biến thị trường chứng khoán có thể thấy, áp lực bán vẫn đang tăng cao, cùng với đó là việc dòng tiền lớn vẫn chưa nhập cuộc khiến thanh khoản đạt thấp đang là lực cản lớn cho việc hồi phục của thị trường.
Thực tế, hầu hết các nhóm cổ phiếu chính trong tuần qua đều giảm mạnh. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm mạnh nhất trong tuần qua với VCB giảm 7,3%, CTG giảm 8,9%, BID giảm 11,6%, VPB giảm 11,9%, TCB giảm 10,9%, STB giảm 8,6%, ACB giảm 8,7%, SHB giảm 6,2%...
Diễn biến tại nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy, nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn không tăng lên, trong khi những ngân hàng có kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng thì giá cổ phiếu giảm sâu.
Trong tuần giao dịch tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chưa có thông tin nào có đủ sức nặng để giúp nhóm này hồi phục mạnh mẽ. Có lẽ kịch bản thích hợp nhất cho nhóm cổ phiếu này là thoát được đà giảm sâu như hiện nay.
Tuần qua, các cổ phiếu dầu khí cũng giảm mạnh với các mã tiêu biểu như GAS giảm 9,1%, PLX giảm 6,9%, PVD giảm 19,3%, BSR giảm 7,1%, PVS giảm 9,6%, PVB giảm 14,1%,...
Việc giá dầu thế giới đi xuống và thị trường chung đang diễn biến tiêu cực khiến nhóm cổ phiếu dầu khí giảm sâu.
Theo giới phân tích, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/11 và giới phân tích ước tính rằng thị trường “vàng đen” có nguy cơ mất đi nguồn cung lên đến 1,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, theo một quan chức của Saudi Arabia tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thị trường dầu mỏ thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung trong quý 4/2018, giữa bối cảnh các thị trường tài chính đang gặp khó bởi nhiều mối lo như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự bất ổn của các thị trường tiền tệ mới nổi, lãi suất cho vay và lợi suất trái phiếu tăng, cùng với những vấn đề ngân sách của Italy.
Trong khi đó, OPEC dự đoán nhu cầu đối với dầu thô của khối này sẽ giảm từ mức trung bình 32,8 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống còn 31,8 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Như vậy, diễn biến nội tại của nhóm cổ phiếu dầu khí và thị trường chung đang theo chiều hướng tiêu cực. Những thông tin về giá dầu cũng chưa thực sự ủng hộ việc nhóm cổ phiếu này tăng trưởng mạnh trong tuần tới.
Cùng xu hướng với thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm giá mạnh trong tuần qua, với VND giảm tới 13,85%, HCM giảm 13,61%, MBS giảm 10,65%,...
Mặc dù kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán vẫn khá tốt, nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn giảm khá sâu trong thời gian qua. Việc thị trường chung đang gặp nhiều rủi ro giảm điểm khiến cho cơ hội hồi phục của nhóm cổ phiếu này khá mong manh trong tuần tới.
Trong khi đó, nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm sâu như: VHM giảm 13,1%, VNM giảm 4,2%, VRE giảm 5,7%,... đã gây áp lực rất lớn lên chỉ số VN-Index.
Diễn biến thị trường cho thấy dòng tiền yếu và tâm lý bi quan khiến các nhịp phục hồi nhanh chóng bị dập tắt và tín hiệu đảo chiều chưa xuất hiện.
Các nhà phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nhận định: Tâm lý thị trường tỏ ra tiêu cực với áp lực bán gia tăng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo quan điểm kỹ thuật, nếu VN-Index phá vỡ vùng 880-890 điểm thì xu hướng điều chỉnh sẽ tiếp diễn.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (29/10-2/11), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 885 điểm tương ứng với vùng đáy tháng Bảy. Nếu ngưỡng 885 điểm bị xuyên thủng thì hỗ trợ thực sự mạnh tiếp theo tại 795-815 điểm tương ứng với vùng đáy trong tháng 10/2017.
Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank cho rằng thị trường tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần, cùng với đó thanh khoản thị trường ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất yếu.
Tuy vậy, tín hiệu quá bán đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu, nhiều khả năng diễn biến hồi phục có thể xuất hiện trong những phiên tới, tuy nhiên đây chỉ là một nhịp phục hồi kỹ thuật.
Công ty này nhận định, thị trường khó có khả năng bật tăng mạnh tại thời điểm hiện tại, trong khi đó, rủi ro tiếp tục giảm sâu vẫn đang ở mức cao./.