Thiếu cát thi công Vành đai 3 TP.HCM: Ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc) đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát san lấp. Nhà thầu chưa thi công đã lỗ, “ăn đong” cát theo ngày là một thực tế, trong đó có trách nhiệm của chính nhà thầu cũng như phía các cơ quan chức năng…
Nhà thầu thi công Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM cho biết, hiện phải mua cát với giá 320.000 - 380.000 đồng/m3. Ảnh: Song Lê
Nhà thầu thi công Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM cho biết, hiện phải mua cát với giá 320.000 - 380.000 đồng/m3. Ảnh: Song Lê

Lỗi của nhà thầu?

Nhiều gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc) đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát san lấp. Đơn cử, Gói thầu XL9 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Bình Chánh (từ Km69+978 đến Km78+100) do Liên danh Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thi công xây dựng cầu đường Hồng An - Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 thi công (giá trúng thầu 2.258,749 tỷ đồng); Gói thầu XL8 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn (từ Km62+700 đến Km69+978) do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải xây dựng giao thông T&T - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn đảm nhiệm (giá trúng thầu 1.417,849 tỷ đồng)…

Theo tìm hiểu, với một số gói thầu tại TP.HCM, hồ sơ mời thầu (HSMT) ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu đối với vật liệu cát. Chẳng hạn, tại HSMT Gói thầu XL9, phần tiêu chí đánh giá về kỹ thuật yêu cầu “nhà thầu phải chứng minh đáp ứng đủ khối lượng đối với vật liệu đất đắp, cát, đá các loại theo yêu cầu của gói thầu; tài liệu chứng minh là giấy phép khai thác được cơ quan chức năng cấp trong trường hợp mỏ khai thác thuộc sở hữu của nhà thầu hoặc hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp vật liệu, đơn vị sở hữu mỏ khai thác (kèm theo giấy phép khai thác được cơ quan chức năng cấp) hoặc chứng minh khả năng khai thác đối với các mỏ trong quy hoạch”.

Một số đơn vị tư vấn cho rằng, tiêu chí nêu trên rất chặt chẽ, nhưng do tính chất địa hình, nhu cầu cát san lấp của Dự án đoạn qua TP.HCM lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh còn lại, nên nhà thầu trúng các gói thầu tại TP.HCM khó huy động đủ khối lượng hơn các nhà thầu làm dự án tại các địa phương khác. Bình luận về trách nhiệm của chủ đầu tư trước vấn đề thiếu cát, phía đơn vị tư vấn chia sẻ, đa số các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM chỉ có 1 nhà thầu tham dự nên Chủ đầu tư không có nhiều lựa chọn.

Trách nhiệm của địa phương ở đâu?

Đứng trước khó khăn về nguồn cát, nhiều nhà thầu phản ánh về trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng. Chẳng hạn, tại TP.HCM, công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn mới nhất là tháng 2/2024. Đặc biệt, có tới hơn 10 nhóm vật liệu xây dựng không được cập nhật giá như: nhóm 1 (thép xây dựng), nhóm 5 (ống, cọc bê tông), nhóm 6 (vật liệu lợp), nhóm 7 (gạch không nung)… “Riêng cát san lấp, công bố của Sở Xây dựng cho thấy, tại địa bàn huyện Hóc Môn, mức giá là 275.000 đồng/m3. Giá cát san lấp chưa bắt kịp chi phí nhà thầu bỏ ra”, một nhà thầu cho biết.

Bên cạnh đó, thông tin về đơn giá vật liệu chính còn thiếu nhiều so với dữ liệu lập và xác định chi phí (lập dự toán). “Tình hình trượt giá liên tục diễn ra, đơn cử giá cát nhiều lúc tăng 25 - 35%, nhưng biên độ điều chỉnh nếu có chỉ cho phép dao động khoảng 10%. Do đó, nếu tình trạng thông báo giá không cập nhật, không sát với thực tế, thấp hơn giá thị trường kéo dài trong nhiều tháng, nhiều quý, thì nhà thầu không biết xoay xở cách nào", một nhà thầu thi công Vành đai 3 chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu cho rằng, việc công bố giá vật liệu xây dựng kiểu cào bằng tất cả các dự án trở thành rào cản lớn, gây thua thiệt cho nhà thầu. Vật liệu vào công trình cấp 1, trọng điểm quốc gia, nhưng đơn giá tham chiếu do Sở Xây dựng ban hành không phân loại. Chi phí nhà thầu bỏ ra cao hơn, nhưng lại phải áp dụng theo đơn giá như vật liệu loại 2, loại 3.

Nhiều nhà thầu cho biết, giá cát phải mua quá chênh lệch so với giá ký hợp đồng, dẫn tới chi phí bỏ ra bào mòn lợi nhuận của nhà thầu. Cụ thể, hiện nhà thầu phải mua cát với giá 320.000 - 380.000 đồng/m3, cao hơn rất nhiều so với giá giao kết với chủ đầu tư. Chưa kể, do cần huy động nhiều nguồn mỏ để đáp ứng nhu cầu, nhà thầu phải mua cát với giá không ổn định từ nhiều địa phương.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn, Sở Xây dựng cần thực hiện nghiêm việc công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng theo quy định. Thường xuyên cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, đảm bảo kịp thời với những biến động trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục