Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Từ quan liêu, áp đặt…
Câu chuyện xảy ra cách đây gần 2 năm tại Gói thầu số 19 Thi công xây dựng công trình (đoạn từ rạch Cây Khô đến cầu Rạch Tắc) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Đây là gói thầu do UBND huyện U Minh làm chủ đầu tư. Theo kiến nghị của nhà thầu, do không chấp nhận hợp đồng tương tự mà liên danh nhà thầu cung cấp do có sự chuyển nhượng tỷ lệ liên danh, và không có nhà thầu nào đáp ứng hồ sơ mời thầu (HSMT) nên Gói thầu đã bị hủy. Tuy nhiên, nhà thầu cho biết, hợp đồng tương tự mà liên danh này cung cấp hoàn toàn phù hợp theo yêu cầu của HSMT, việc chuyển nhượng tỷ lệ liên danh đã được cấp có thẩm quyền liên quan đến hợp đồng đó cho phép.
Hội đồng tư vấn đấu thầu tỉnh Cà Mau đã vào cuộc để xử lý vụ việc. Sau khi có đầy đủ thông tin, Hội đồng tư vấn đấu thầu của tỉnh này cho rằng, phụ lục hợp đồng đính kèm hợp đồng tương tự mà nhà thầu cung cấp trong hồ sơ dự thầu (HSDT) là tài liệu chứng minh kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng. Về cơ bản, HSDT của nhà thầu đã đáp ứng yêu cầu của HSMT về năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, HSMT có yêu cầu tài liệu kèm theo là hóa đơn giá trị gia tăng của các đợt thanh toán để chứng minh nhưng nhà thầu chưa cung cấp. Trường hợp này, chủ đầu tư có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu để làm rõ năng lực, kinh nghiệm theo quy định trước khi quyết định.
Ngay tại thời điểm đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đánh giá thật đầy đủ hồ sơ của nhà thầu để có quyết định phù hợp, tránh những đánh giá quan liêu, cứng nhắc mà phủ nhận năng lực của nhà thầu. “Chủ đầu tư cần đánh giá toàn diện, mổ xẻ tận gốc vấn đề, và cần coi trọng giải trình của nhà thầu về hợp đồng tương tự. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư gói thầu được kê khai để có thông tin chính xác nhất về việc chuyển nhượng này”, một chuyên gia khuyến cáo.
Tuy nhiên, thay vì chọn cách làm đơn giản và hiệu quả là xác minh thì UBND huyện U Minh lại chọn cách đẩy thiệt hại cho nhà thầu - hủy thầu, không công nhận hợp đồng tương tự mà nhà thầu cung cấp.
Do đó, nhà thầu cho rằng, Chủ đầu tư đã cố tình hiểu sai các quy định về quản lý hợp đồng xây dựng, từ đó dẫn đến việc cố tình loại nhà thầu thông qua việc phủ nhận năng lực thật của nhà thầu. Một số đơn vị tư vấn cho rằng, nếu năng lực thi công của nhà thầu là có thật, và việc tăng tỷ lệ thi công đã hoàn toàn được cơ quan chức năng cho phép vì lý do khách quan, lý do hủy thầu của Chủ đầu tư là hoàn toàn không thỏa đáng và gây mất uy tín cho nhà thầu.
… đến phủ nhận sạch trơn
Mới đây tại Vĩnh Long, một gói thầu do Phòng Quản lý đô thị TP. Vĩnh Long mời thầu đã khiến nhà thầu bức xúc khi đánh giá hợp đồng tương tự không đáp ứng yêu cầu. Theo HSMT, phần kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp có nêu: “Các hợp đồng thi công công trình điện, điện chiếu sáng mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ hoặc nhà thầu quản lý từ năm 2015 (hợp đồng ký từ 1/1/2015) đến thời điểm đóng thầu”.
Một nhà thầu cung cấp hợp đồng tương tự là công trình đường Nha Trang đi Đà Lạt đoạn Nha Trang - Diên Khánh (Cao Bá Quát - cầu Lùng) giá trị 42,981 tỷ đồng ký ngày 23/9/2014, được xác nhận hoàn thành công trình ngày 23/9/2018. Văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu của Phòng Quản lý đô thị TP. Vĩnh Long khẳng định: “Ngày khởi công là 24/9/2014, ngày hoàn thành là tháng 7/2018. Như vậy, kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp, hợp đồng tương tự không đáp ứng yêu cầu của HSMT do hợp đồng ký trước ngày 1/1/2015”.
Lý do loại hợp đồng tương tự này bị nhà thầu phản ứng dữ dội. Nhà thầu cho rằng, hợp đồng mà mình cung cấp hoàn toàn phù hợp theo yêu cầu của HSMT như quy định của Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT về kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp. Theo đó, thời gian nhà thầu thực hiện, hoàn thành hợp đồng hoàn toàn nằm trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 trở lại đây theo yêu cầu của HSMT. Bên cạnh đó, nhà thầu còn cung cấp phụ lục hợp đồng thể hiện việc điều chỉnh thời gian hoàn thành của hợp đồng tương tự.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị tư vấn và chuyên gia đấu thầu quan ngại việc đánh giá hợp đồng tương tự của nhà thầu trong trường hợp trên. Thứ nhất, gói thầu do Phòng Quản lý đô thị TP. Vĩnh Long mời thầu chỉ có giá trị hơn 23 tỷ đồng, trong khi hợp đồng tương tự mà nhà thầu cung cấp là hơn 42 tỷ đồng, cao gần gấp đôi. Thứ hai, thời gian thi công và hoàn thành của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong khoảng thời gian mà HSMT yêu cầu. Nếu chỉ căn cứ vào ngày ký hợp đồng mà phủ định toàn bộ giá trị của hợp đồng tương tự này là cực kỳ cứng nhắc và bất lợi cho nhà thầu, cũng như từ chối cơ hội lựa chọn nhà thầu có giá dự thầu cạnh tranh.