Thời cơ mới, vận hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với nhân loại, đất nước ta đã và đang đi qua cơn “tai biến” toàn cầu là đại dịch Covid-19. Trong những thời khắc khó khăn, nền y tế chưa phải là tiên tiến, nguồn lực kinh tế còn trong tình trạng của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã khẩn trương, bình tĩnh, tranh thủ mọi cơ hội để tự trang bị những năng lực mới, những nhận thức cập nhật, để từng bước vượt qua.
Văn hóa ở tầng sâu nhất chính là yếu tố con người, có văn hóa là có tất cả. Ảnh: Nam Nguyễn
Văn hóa ở tầng sâu nhất chính là yếu tố con người, có văn hóa là có tất cả. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo những nhận định và dự báo, đại dịch Covid-19 đã được nhân loại khống chế một cách khá hiệu quả. Con người đã tìm ra vũ khí và phương thức để đối đầu và sẽ vượt qua đại dịch này. Đất nước Việt Nam cũng nằm trong xu thế và tâm thế ấy.

Giờ là lúc nên trở lại bàn nhiều hơn đến cơ hội phát triển. Những cơ hội có được hiện nay là tích tụ từ bao tháng năm dài bền bỉ phấn đấu cho ước mơ phát triển cường thịnh của một dân tộc đã trụ vững và sáng lên bên bờ sóng biển Đông.

Đất nước đã bước vào năm thứ 22 của thiên niên kỷ thứ ba! Nhìn hình sông dáng núi, trông Bắc trông Nam, mở tầm nhìn rộng ra cả địa cầu, ngẫm nghĩ sâu xa trong lòng mình mà đồng điệu với lòng người, rồi soi vào những trang sử của đất nước. Đầu thiên niên kỷ thứ ba này, sao lại thấy có nhiều tương đồng với thời kỳ đầu thiên niên kỷ thứ hai đến như vậy? Đó là thời kỳ đất nước phát triển rực rỡ với rất nhiều thành tựu dưới sự trị vì của triều đại nhà Lý mấy trăm năm bền vững và hưng thịnh (1009 - 1225).

***

Nhà Lý bắt đầu công cuộc kiến tạo nên một thời kỳ hưng thịnh nhất của đất nước bằng cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Và từ đó bắt đầu những đại công cuộc lớn lao đắp xây nền văn hiến Đại Việt, mở ra kỷ nguyên rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Lĩnh vực hưng thịnh đầu tiên dưới triều nhà Lý là kinh tế. Cả thành Thăng Long tấp nập như một đại công xưởng với việc hình thành các phố nghề. Tầng lớp thương nhân bắt đầu xuất hiện, mở ra thông thương trong cả nước rồi đóng thuyền lớn vượt biển buôn bán với các quốc gia bên ngoài…

Quân đội nhà Lý được xây dựng có hệ thống, trở nên hùng mạnh, đủ sức tiến đánh tận lãnh thổ đội quân xâm lược của nhà Tống dưới sự chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt. Quân đội ấy cũng đã đánh bại quân của vương quốc Đại Lý và đế quốc Khmer, tiến hành thảo phạt các bộ tộc man di ở biên giới cũng như đối đầu với quốc gia kình địch Chiêm Thành ở phía Nam. Quân đội được nuôi dưỡng và rèn tập theo chính sách “ngụ binh ư nông”, quân cũng là dân, dân cũng là quân, rất uyển chuyển và linh hoạt trong xây dựng đất nước, trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù khi cần thiết. Không chỉ giữ yên bờ cõi, quân đội nhà Lý còn mở mang cương vực đất nước, tham gia xây dựng các công trình lớn như khai thông sông Đuống nhằm trị thủy, phân lũ sông Hồng…

Nhà nước thời Lý được phân cấp rõ ràng, điều hành và quản lý dựa vào pháp luật chứ không dựa vào những quyết định chuyên quyền của cá nhân. Hệ thống ấy còn được bổ sung qua việc triều đình lần đầu tiên tổ chức các khoa thi để chọn người hiền tài, không phân biệt xuất thân, ra giúp nước.

Cùng với phát triển kinh tế và quân sự, dưới triều nhà Lý, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục phát triển rực rỡ, ghi nhận những dấu mốc khai mở của một nền văn hóa Đại Việt đầy sức sống và trường tồn các giá trị nhân văn: Trường đại học đầu tiên trong lịch sử quốc gia là Văn Miếu được xây dựng. Quốc Tử Giám sau đó cũng được dựng lên để chấn hưng Nho giáo, song song với sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo với các chùa, tháp, tượng Phật lớn được tạo tác. Trong bộ bốn bảo vật Phật giáo là “An Nam tứ đại khí”, thì ba bảo vật có từ thời Lý là tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Nghệ thuật tạo hình với hình tượng con Rồng thời Lý cùng nghệ thuật kiến trúc đã vươn tới đỉnh cao, để xây nên một thành Thăng Long hoa lệ…

***

Trong thời điểm khẩn trương, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức. Lại nhớ, chỉ non một tháng trước khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến bền bỉ 9 năm chống thực dân Pháp mở đầu bằng sự kiện Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, thì ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã cùng với Trung ương Đảng mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Tiếp đó, hai năm sau, trong khói lửa chiến tranh năm 1948 là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai… Giờ đây, giữa đại dịch toàn cầu, Hội nghị lần thứ ba được tổ chức.

Luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã soi sáng, kêu gọi và tập hợp đoàn kết toàn dân tộc trong kháng chiến vệ quốc, đã trở lại với sức quyến rũ mới trong tập hợp đoàn kết vì sự phát triển bền vững của đất nước trong chặng đường mới.

Đại hội Đảng lần thứ XI nhấn mạnh nội dung của cuộc tập hợp này: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế… Phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu triển khai tư tưởng chủ đạo này: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người, là quan trọng nhất”.

Nội lực quốc gia bao gồm tổng lực các lợi thế và nguồn lực nội sinh từ điều kiện địa lý, thiên nhiên và con người, là những tiềm lực tự nhiên và xã hội của đất nước. Nội lực quốc gia chỉ được phát huy, khơi dậy, trở thành sức mạnh quốc gia khi sức mạnh dân tộc, sức mạnh con người được giải phóng dưới sự vẫy gọi tha thiết của ánh sáng văn hóa và văn hiến soi đường.

Ba lần đất nước tổ chức Hội nghị Văn hóa đều vào những thời điểm đầy thử thách của lịch sử. Trong những lúc khó khăn nhất, chúng ta nghĩ đến văn hóa, bàn về việc chấn hưng và phát huy văn hóa. Văn hóa ở tầng sâu nhất chính là yếu tố con người, có văn hóa là có tất cả. Nguồn lực con người là tổng thể những giá trị về vật chất, tri thức, tinh thần, truyền thống, là bản sắc và hội nhập. Chúng ta bàn về chấn hưng văn hóa là bàn về cái gốc, tựa trên cái gốc văn hóa để khơi dậy sức mạnh của nguồn lực con người, vun đắp, đoàn kết tạo nên sức mạnh quốc gia…

Ngẫm nghĩ lại về thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử đất nước dưới triều nhà Lý, thấy rất rõ động lực của phát triển chính là khơi dậy được khát vọng và sức mạnh của người Việt. Bài học về tập hợp lòng dân, phát huy văn hóa để làm nên sức mạnh quốc gia còn được thể hiện rất rõ dưới triều nhà Trần ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược, làm sáng ngời Hào khí Đông A hay thời kỳ Hậu Lê dưới sự trị vì của vị vua hiền Lê Thánh Tông.

So sánh với những gì diễn ra trong lịch sử, hiện nay, đất nước ta được hưởng những thành quả văn minh nhân loại nhiều hơn, thông thương và hội nhập toàn cầu rộng hơn. Tuy nhiên, tất cả những gì thuộc về ngoại lực là sức mạnh của thời đại, đều không thể phát huy được nếu đất nước không duy trì và nhân lên được chính nội lực của mình để hấp thu và dẫn dắt công cuộc phát triển.

Lịch sử đã cho chúng ta rất nhiều bài học và kinh nghiệm, cho chúng ta rất nhiều tấm gương đẹp đẽ, đầy sức thuyết phục. Bằng bản lĩnh, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, đất nước đã đi qua nhiều thời kỳ cam go, đầy thử thách để làm nên những chiến thắng vĩ đại.

Thời đại mới cùng với cơ hội lớn lao mới đang mở ra, dù phía trước còn nhiều khó khăn chưa có tiền lệ, từ những trải nghiệm lịch sử cùng với bản lĩnh kiên định, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục đi tới, vượt qua những thách thức bằng chính sức mạnh nội sinh để làm nên những thành tựu kỳ vĩ mới, xứng với cơ đồ mà lớp lớp tiền nhân đã phấn đấu hy sinh để lại cho chúng ta hôm nay.

Tin cùng chuyên mục