Thông tư hướng dẫn Nghị định 25/2020/NĐ-CP: Tạo thuận lợi hơn trong lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT (Thông tư 06) ngày 18/8/2020 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐT).
Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp chuyển tiếp. Ảnh: Lê Tiên
Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp chuyển tiếp. Ảnh: Lê Tiên

Qua tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn, Thông tư sẽ tạo thuận lợi hơn, tăng minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả cho hoạt động lựa chọn NĐT nói chung, dự án đầu tư có sử dụng đất (ĐTCSDĐ) nói riêng.

Tháo gỡ vướng mắc

Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thông tư 06 đã kế thừa các quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BKHĐT và Thông tư 16/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn thi hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Đồng thời, hướng dẫn các quy định mới của Nghị định về quy trình thực hiện dự án ĐTCSDĐ, đăng tải thông tin trong quá trình lựa chọn NĐT, nội dung hồ sơ mời thầu (HSMT)…; sửa đổi, bổ sung nội dung để xử lý các vướng mắc trong lập hồ sơ đấu thầu, bảo đảm phù hợp với thực tiễn triển khai công tác lựa chọn NĐT. Các hướng dẫn tại Thông tư 06 sẽ tiếp tục tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình lựa chọn NĐT.

Thông tư 06 kèm theo 5 phụ lục, là các mẫu tài liệu quan trọng trong quá trình lựa chọn NĐT, giúp các đơn vị thuận lợi hơn trong thực hiện. Đó là mẫu hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST), HSMT lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); mẫu thông báo mời quan tâm, yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của NĐT đăng ký thực hiện dự án ĐTCSDĐ; mẫu HSMT lựa chọn NĐT thực hiện dự án ĐTCSDĐ; hướng dẫn việc xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước đối với dự án ĐTCSDĐ (m3).

Theo Cục Quản lý đấu thầu, nội dung các mẫu hồ sơ được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án thuộc lĩnh vực mới, quy mô lớn, chưa có tiền lệ, việc yêu cầu NĐT phải có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự là không khả thi, dẫn đến không có NĐT đáp ứng yêu cầu. Thông tư 06 xử lý vướng mắc này theo hướng, đối với các dự án trong lĩnh vực mới hoặc có quy mô đầu tư lớn, không có NĐT có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, có thể xem xét, căn cứ dữ liệu về các dự án đã thực hiện, khả năng phân kỳ đầu tư của dự án đang xét để xác định yêu cầu về kinh nghiệm của NĐT. Trong trường hợp này, yêu cầu về kinh nghiệm của NĐT có thể được chỉnh sửa theo hướng thấp hơn so với hướng dẫn nhưng phải bảo đảm phù hợp với thực tế cũng như yêu cầu thực hiện dự án.

Chuyển tiếp như thế nào?

Đến thời điểm Nghị định 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực, còn nhiều dự án ĐTCSDĐ đang thực hiện dở dang giữa giai đoạn sơ tuyển và giai đoạn lựa chọn NĐT. Qua thống kê từ ngày 1/9/2019 đến 20/4/2020, khoảng 124 dự án đã có kết quả sơ tuyển, trong đó, 60 dự án chỉ có 1 NĐT trúng sơ tuyển nhưng chưa có kết quả lựa chọn NĐT, có thể đang trong quá trình đánh giá hoặc chưa phát hành hồ sơ yêu cầu.

Theo quan sát, các địa phương có khả năng triển khai nhanh thủ tục chuẩn bị đấu thầu đã chủ động khởi động lại quá trình lựa chọn NĐT theo đúng thủ tục quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP hoặc tiếp tục quá trình lựa chọn NĐT theo hình thức đấu thầu rộng rãi do có từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển.

Thông tư 06 quy định, Báo Đấu thầu có trách nhiệm kiểm tra thông tin tại thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên mời thầu đăng tải. Trường hợp phát hiện thông tin không hợp lệ, Báo Đấu thầu thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên mời thầu trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi thông tin được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên mời thầu phải chỉnh sửa nội dung đăng tải theo thông báo của Báo Đấu thầu. Sau thời hạn quy định mà thông tin không hợp lệ chưa được chỉnh sửa, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia công khai thông tin không hợp lệ. Đơn vị đăng tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng tải.

Bên cạnh đó, về quy định chuyển tiếp tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 90 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, một số ý kiến băn khoăn, những dự án đã phát hành HSMST trước ngày Nghị định 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (20/4/2020), chỉ có 1 NĐT trúng sơ tuyển nhưng chưa phát hành hồ sơ yêu cầu trước ngày 20/4/2020 thì tiến hành thủ tục tiếp theo như thế nào?

Thông tư 06 hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn NĐT trong trường hợp chuyển tiếp theo Khoản 3 Điều 90 Nghị định 25/2020/NĐ-CP. Theo đó, khi HSMST được phát hành trước ngày Nghị định 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trường hợp có từ 2 NĐT trở lên trúng sơ tuyển, dự án được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Thủ tục lựa chọn NĐT tiếp theo được thực hiện theo quy định tại các chương III, IV và V Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Trường hợp có 1 NĐT trúng sơ tuyển, dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Thủ tục lựa chọn NĐT tiếp theo được thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Nội dung HSMT, hồ sơ yêu cầu được xây dựng trên cơ sở phù hợp quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và quy định của pháp luật liên quan có hiệu lực tại thời điểm phê duyệt HSMT, hồ sơ yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục