Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Theo Bộ Tài chính, ước thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 vượt 1,7% dự toán, song số vượt thu chủ yếu từ đất và dầu thô. Nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất thì thu nội địa chỉ đạt 97% dự toán. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Từ dự toán thu NSNN năm 2021, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, cơ cấu thu chưa bền vững, ước thu vượt 1,7% dự toán, song số vượt thu chủ yếu từ đất và dầu thô; nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất thì thu nội địa chỉ đạt 97% dự toán; thu từ khu vực sản xuất kinh doanh tuy đạt và vượt dự toán nhưng ở mức thấp.

Kết quả thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 ước đạt là quá thấp, không đạt yêu cầu; đặc biệt, trong điều kiện thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh rất thuận lợi cho việc thoái vốn và tăng hiệu quả thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp.

Liên quan nội dung này, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, tổng kết, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật NSNN theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW thể hiện ở Khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

Về dự toán NSNN năm 2022, UBTVQH cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị tăng bội chi NSNN, các khoản thu ngân sách từ dầu thô, từ các khu vực kinh tế, từ thu sử dụng đất cao hơn để tạo nguồn thực hiện gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo UBTVQH, để thực hiện thực hiện phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cần có nguồn lực. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa xây dựng xong Chương trình phục hồi kinh tế làm căn cứ cân đối ngân sách. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong đó có các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách, bội chi, nợ công. Trước mắt, để bảo đảm tiến độ phân bổ và giao dự toán kịp thời theo luật định, đề nghị Quốc hội cho phép giữ mức bội chi, các khoản dự toán thu như phương án Chính phủ trình.

Giải trình tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Có ý kiến đề nghị tăng dự toán thu dầu thô song không tăng được. Bởi vì, sản lượng thực tế hằng năm từ giai đoạn 2016 - 2020 chúng ta giảm bình quân 1,45 triệu tấn trên năm, tức là tương ứng 11% và sản lượng khai thác các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật địa chất cao nên rất khó để tăng sản lượng”.

Trước ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn như vậy thì tăng thu ở khoản nào, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu nội địa tăng, chẳng hạn thu tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước như truy thu thuế nhà thầu của Formosa được 2.257 tỷ đồng, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ đồng, thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ đồng và phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ. Một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên 22.800 tỷ đồng như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính, ngân hàng và hoạt động sáp nhập, chuyển nhượng vốn và các hoạt động lắp ráp xe ôtô. Thu dầu thô cũng tăng lên 12.000 tỷ đồng. Thu xuất, nhập khẩu tăng lên 10.5000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục