Thu nợ thuế vượt chỉ tiêu, ông lớn khó chây ỳ?

Trong năm 2015, Bộ Tài chính thu được hơn 39.000 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 27%. Dự kiến năm 2016 con số này còn cao hơn nữa.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn vào số liệu trên cũng có thể coi là tin vui với ngân sách quốc gia đồng thời cũng là đã hoàn thành lời hứa của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước Quốc hội vừa qua.

"Năm 2016, Tổng cục Thuế đề ra mục tiêu giảm nợ so với năm 2015, tỷ trọng nợ thuế có khả năng thu trên tổng thu ngân sách đạt mức dưới 5%", ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vui mừng cho biết. 

Nhưng nói một cách công bằng thì con số 39.000 tỷ đồng thu hồi được so với danh sách 600 doanh nghiệp nợ đọng thuế mà Bộ Tài chính đã công bố cỏ vẻ còn khá khiêm tốn.

Trong đó, có không ít tên tuổi các “ông lớn” có uy tín, vị thế trên thương trường như Vinaconex, Viglacera, Sông Đà...

Tính đến nay, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, nợ đọng thuế của các DN lên tới 76.000 tỉ đồng.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, nhiều doanh nghiệp lớn nhưng ý thức lại rất... nhỏ.

Tệ hơn nữa là việc chấp hành pháp luật không nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách. Điển hình trong số đó là liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro). Năm 2014 giá dầu bình quân trên 100 USD/thùng, với quy định của pháp luật cũng như các hiệp định đã ký kết, đơn vị này phải nộp thuế 86 triệu USD (gần 2.000 tỉ đồng). Số này bao gồm khoản chênh giữa giá kế hoạch và thực hiện đơn vị phải nộp thuế thu nhập DN; khoản nộp thuế trên số tiền lãi thu được từ quyền lợi nước chủ nhà.

“Đến thời điểm hiện tại dù chúng tôi xin ý kiến và Thủ tướng có văn bản đồng ý nhưng đơn vị lấy lý do này khác, vin vào giá dầu xuống không chịu nộp”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn (Tổng cục Thuế) cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng này. Dẫn trường hợp của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP thuộc Tập đoàn dầu khí - PVN), ông Phụng cho biết, tại các lô dầu khí 11.2 (Nam Côn Sơn), PVEP có lãi tiền gửi quỹ thu dọn dầu mỏ. DN này đã kê khai nộp thuế theo thuế suất phổ thông (25%).

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, quản lý Tổng cục Thuế xác định vì lãi tiền gửi ngân hàng có gốc gác sâu xa liên quan đến hoạt động dầu khí nên yêu cầu phải nộp thuế suất cao hơn là 50%; từ đó, đã ra quyết định truy thu thêm 44,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, PVEP cũng bị xử phạt hành chính với số tiền chậm nộp là 35,6 tỉ đồng. Tổng cộng cả hai khoản 80,1 tỉ đồng.

Hàng loạt đại gia nợ thuế: Nợ vượt ngưỡng quốc tế...

Trong bối cảnh năm 2015, ngân sách trung ương vô cùng khó khăn, Chính phủ phải loay hoay tìm nguồn để cân đối khoản hụt thu 31.300 tỉ đồng. Nhiều giải pháp cứu nguồn thu như thuế thu nhập cá nhân, nguồn thu từ dầu thô, cùng các nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp cũng phần nào giúp ngân sách bền vững hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội - TS Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế lo ngại liệu ngân sách có thể bền vững được khi mà các DN lớn, DN nhà nước vẫn còn tình trạng chây ì nộp thuế? “Người dân nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ, phí cầu đường không bao giờ thiếu. Thế nhưng các DN lớn nợ cả nghìn tỉ đồng thì lại không thu được. Rất nhiều lần Bộ Tài chính phải xin ý kiến Thủ tướng, vậy quy định của pháp luật ở đâu. Sao không xử phạt, cưỡng chế thật mạnh tay để răn đe”, TS Kiêm bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục