Thúc đẩy giải ngân đầu tư công: Tháo gỡ tận gốc vướng mắc về giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 5 tháng đầu năm, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là điểm nghẽn lớn, và càng khó khăn khi giá đất tăng nóng trong thời gian qua. Tách GPMB thành một dự án độc lập là mong muốn của nhiều địa phương, nhưng song hành với đó cần thêm nhiều giải pháp để giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
GPMB vẫn là điểm nghẽn lớn dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
GPMB vẫn là điểm nghẽn lớn dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, muốn GPMB một dự án giao thông thì phải di dời nhà dân, tìm chỗ để tái định cư thì lại phải GPMB. Cộng cả hai lần GPMB và thi công khu tái định cư phải mất hơn 300 ngày nếu cưỡng chế. Nếu tách được dự án GPMB riêng cho phép lựa chọn các địa điểm để triển khai đầu tư khu tái định cư trước thì người dân có thể thấy rõ nơi ở mới tốt hơn chỗ cũ và dễ làm hơn rất nhiều. Tháo gỡ được thì sẽ không làm ảnh hưởng đến dự án đầu tư.

Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, công trình nhanh hay chậm, cốt ở GPMB. Việc tách GPMB ra thành một dự án riêng là hết sức cần thiết, bởi đây là khâu thường xuyên chậm trễ, phát sinh vấn đề phức tạp. Do đó, nên cho áp dụng phổ biến việc tách dự án này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang hoàn thiện đề án tách GPMB thành dự án riêng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, làm đề án này vô cùng căng thẳng, từ “mặt bằng” ngắn mà đằng sau nó là vô vàn khó khăn. Nếu được tách ra, công tác GPMB sẽ trở thành một dự án độc lập, phải tuần tự thực hiện các bước theo quy định, chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan, không chỉ Luật Đầu tư công còn Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và nếu không xử lý được những vấn đề gốc thì vẫn vướng.

Thực tế, theo báo cáo của nhiều địa phương tại các cuộc họp của 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công vừa qua, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến GPMB là do chính sách giá đất có sự chênh lệch lớn giữa giá thực tế ngoài thị trường và giá của địa phương ban hành; mất nhiều thời gian, thủ tục để xác định nguồn gốc đất để thu hồi làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

Bởi vậy, để gỡ GPMB, trước hết, theo địa phương, cần gỡ từ định giá đất, trong đó địa phương đề xuất sửa đổi Thông tư số 36 /2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất. Nếu không sửa đổi sớm, sẽ tắc GPMB nhiều dự án.

Nêu ra thực tế nhiều trường hợp 5 phương pháp định giá hiện nay có thể cho ra 5 kết quả khác nhau, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần xử lý nhanh vấn đề này.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra công tác lập hồ sơ GPMB, quá trình thẩm định phê duyệt phương án giá bồi thường ở một số địa phương chậm, thiếu sự quyết liệt. Công tác tuyên truyền, vận động người dân ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp.

“Khó nhưng có cách làm, nếu địa phương chú trọng thì vẫn có hướng giải quyết”, ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị thuộc Bộ KH&ĐT nêu quan điểm và chỉ ra thực tế nhiều địa phương dự án trọng điểm thì rất quan tâm chỉ đạo GPMB, nhưng nhiều dự án chưa thực sự tập trung chỉ đạo đúng mức. Nhiều địa phương có kinh nghiệm GPMB rất tốt, ví dụ như Quảng Ninh, trực tiếp Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo hàng tháng, hàng tuần, yêu cầu bí thư các huyện đứng ra làm tổ trưởng chỉ đạo GPMB.

Tại Hải Dương, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ, vừa qua Tỉnh đã điều chỉnh hệ số đền bù giá đất cho phù hợp thực tiễn và tăng cường tuyên truyền vận động người dân. Do đó, thời gian vừa qua không phải cưỡng chế, GPMB khá nhiều diện tích đất để thực hiện các dự án.

Bộ KH&ĐT đề nghị Lãnh đạo các địa phương trong thời gian tới tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, GPMB, tạo sự tin tưởng, đồng thuận để có thể sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tin cùng chuyên mục