Một cuộc mở thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia tại Bộ Y tế diễn ra trong năm 2018. Ảnh Tiên Giang. |
Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tuyến tỉnh và tuyến huyện tăng 63,53%
Sau 10 năm triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, đến nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh cho người dân. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO. Có 652 thuốc nội đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế đã có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt. Thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và ngày càng được đánh giá cao về chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong các bệnh viện tuyến trung ương tăng đều qua các năm. 3 năm trở lại đây (giai đoạn 2016 - 2018), tỷ lệ sử dụng thuốc nội có xu hướng tăng trở lại (từ 8,81% lên 9,35%).
Còn ở tuyến tỉnh, từ năm 2013 đến năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội trung bình tăng lên 57,03%, tuyến huyện tăng 76,62%. Nhiều địa phương, bệnh viện đạt kết quả ấn tượng trong việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đạt trên 50% như: Phú Yên (87%), Quảng Bình (76,9%), Tuyên Quang (76,46%)...
Để đạt được kết quả này, phải kể đến hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có các quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Khởi điểm là Luật Đấu thầu năm 2013, cho đến Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014, Luật Dược năm 2016... Và các văn bản dưới luật sau này như Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cùng các thông tư hướng dẫn việc mua sắm, đấu thầu thuốc do Bộ Y tế ban hành...
Trong đó, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật.
Một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là sự chỉ đạo sát sao của các cơ sở y tế (CSYT) trong công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, ngay từ bước đầu tiên là xây dựng nhu cầu thuốc phù hợp với nguồn kinh phí mua sắm. Trong đó, ưu tiên nhóm thuốc sản xuất trong nước và không đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu các thuốc nhập ngoại đối với các thuốc trong Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp...
Nhiều thách thức trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa thuốc trúng thầu
Trên cơ sở những kết quả đạt được đáng ghi nhận trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các CSYT cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến trung ương đạt 22%; bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố đạt 50% và bệnh viện tuyến huyện đạt 75%. Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú hằng năm, tỷ lệ kê đơn cấp thuốc sản xuất tại Việt Nam cho bệnh nhân tăng từ 5% đến 10%...
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trương Quốc Cường, vẫn còn nhiều thách thức để có thể đạt được mục tiêu này. Bởi vì thực tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại nhiều địa phương và bệnh viện còn thấp. Tại tuyến trung ương, các bệnh viện như Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Việt Đức có tỷ lệ sử dụng thuốc nội chỉ đạt dưới 10%. Còn tại tuyến tỉnh, nhiều địa phương có tỷ lệ thuốc trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa đến 40% như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương...
Sở dĩ tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến trung ương còn thấp, theo lý giải của Bộ Y tế, là do đặc thù riêng. Đây là tuyến cuối, nên thuốc sử dụng đều là thuốc chuyên khoa sâu, trong khi đó, phần lớn các thuốc trong nhóm này lại chưa sản xuất được ở trong nước.
Hiện nay, các bệnh viện đang dần tự chủ về tài chính nên sẽ phải cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Việc chạy theo xu hướng dùng thuốc ngoại là không thể tránh khỏi, nhằm đáp ứng tâm lý "sính ngoại" của người dân. Thực tế, hiện có một bộ phận không nhỏ người dân và cán bộ y tế cũng chưa hoàn toàn tin tưởng chất lượng thuốc Việt Nam, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc.
Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, ông Trương Quốc Cường cho rằng, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các bên liên quan, và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách, thúc đẩy các CSYT và thầy thuốc, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cho đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức của đông đảo người dân. Trong đó, cần tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi và hoàn thiên các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách phù hợp thực tế để khuyến khích sản xuất thuốc trong nước và đảm bảo hỗ trợ việc tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các CSYT, gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội thông qua đấu thầu...