Thuốc trúng thầu nhưng không được sử dụng: Trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả đấu thầu thuốc tập trung quốc gia vừa được công bố khiến không ít nhà thầu thở phào nhẹ nhõm sau gần 10 tháng chờ đợi. Thế nhưng, niềm vui trúng thầu của các doanh nghiệp cũng đi kèm với nỗi lo về tỷ lệ thuốc trúng thầu sẽ được sử dụng đến đâu, nếu bị tồn kho hay hủy bỏ sau khi hết hạn hợp đồng thì trách nhiệm để xảy ra thiệt hại này sẽ thuộc về ai?
Nhà thầu cho rằng, không công bằng khi cơ sở y tế thiếu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch nhu cầu thuốc, gây thiệt hại kinh tế cho nhà thầu nhưng không phải chịu trách nhiệm gì. Ảnh: Tiên Giang
Nhà thầu cho rằng, không công bằng khi cơ sở y tế thiếu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch nhu cầu thuốc, gây thiệt hại kinh tế cho nhà thầu nhưng không phải chịu trách nhiệm gì. Ảnh: Tiên Giang

Gần đây nhất là câu chuyện dịch truyền Dextran 40 sử dụng điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng. Doanh nghiệp được cấp phép đã nhập khẩu 9.000/50.000 túi vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) dự trù thuốc với số lượng lớn nhưng không lấy hàng theo đúng kế hoạch, dẫn đến số lượng thuốc tồn kho là 3.476 túi. Toàn bộ số lượng thuốc tồn kho này đã hết hạn sử dụng vào cuối tháng 4/2022 và phải chờ hủy, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, dẫn đến nhu cầu sử dụng thuốc Dextran 40 tăng cao, nhà thầu cung ứng thuốc liên tục nhận được các đơn hàng thuốc Dextran 40 từ các cơ sở KCB. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, họ chưa có kế hoạch nhập khẩu tiếp vì lo ngại đối mặt với tình trạng tương tự nêu trên.

Tại Lễ trao quyết định trúng thầu 3 gói thầu cung ứng thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 mới đây, ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia thuộc Bộ Y tế cho biết, thuốc và vật tư y tế là hai khoản chi rất lớn hiện nay, chiếm tới 42,6% tổng chi phí của Quỹ Bảo hiểm y tế, trong khi mức chi này ở nhiều nước trên thế giới là 20%. Một khi đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng, các nhà thầu phải đảm bảo thực hiện cung ứng đủ thuốc như đã cam kết; cơ sở y tế cũng phải khẩn trương triển khai, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, cung ứng đủ thuốc cho người bệnh.

Một số nhà thầu trúng thầu cung ứng thuốc thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 có thể kể đến như: Công ty CP Dược phẩm Tenamyd (1.193,9 tỷ đồng, trong đó trúng thầu độc lập 13 mặt hàng với 499,496 tỷ đồng, còn lại là giá trúng thầu của liên danh - 24 mặt hàng với 694,459 tỷ đồng); Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hoàng Đức (24 mặt hàng với 319,909 tỷ đồng); Công ty TNHH Dược phẩm UNI Việt Nam (313,135 tỷ đồng)…

“Kết quả rà soát việc thực hiện hợp đồng thời gian qua cho thấy, một số cơ sở y tế mới sử dụng được 30 - 40% giá trị thuốc đã đăng ký. Vậy, số còn lại để đi đâu? Dù là tiền của nhà thầu, tiền trong dân hay trong ngân khố đều là của quốc gia, không được lãng phí”, ông Dũng nhấn mạnh.

Do đó, đại diện Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho rằng, không chỉ nhà thầu phải cung cấp đủ 100% số thuốc đã trúng thầu, mà đề nghị thủ trưởng các đơn vị cơ sở y tế phải nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc đảm bảo sử dụng tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết như quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT. Đối với thuốc cấp cứu, thuốc giải độc, thuốc hiếm, thuốc kiểm soát đặc biệt, dịch truyền và những tình huống khác sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế bảo đảm thực hiện tối thiểu 50% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết.

Là một trong những nhà thầu có giá trị trúng thầu cung ứng thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 lớn nhất (51 mặt hàng với 1.474 tỷ đồng), nhưng ông Trần Thọ Thành - Ủy viên HĐQT Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 cũng không tránh khỏi lo lắng. Mặc dù trúng thầu với số lượng và giá trị lớn, nhưng thực tế kết quả thực hiện nhiều khi cho thấy tỷ lệ mua rất thấp. Trong khi đó, thuốc là những mặt hàng có giá trị, đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp, nếu không sử dụng dẫn đến phải hủy thuốc thì sẽ gây tốn kém, thiệt hại cho cả nhà thầu cũng như xã hội, ảnh hưởng tới môi trường. Hiện nay, tất cả các thiệt hại này đều do một mình nhà thầu gánh chịu, điều này là không công bằng.

“Một khi đã ký hợp đồng, nhà thầu không cung ứng được thuốc đã trúng thầu thì sẽ bị xử phạt, thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Ngược lại, cơ sở y tế lập kế hoạch về nhu cầu thuốc không sát, không sử dụng hết ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà thầu, gây thiệt hại về kinh tế nhưng không phải chịu trách nhiệm gì. Do đó, để đảm bảo tính công bằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm quy định chế tài nghiêm khắc đối với cơ sở khám chữa bệnh thiếu trách nhiệm trong khâu lập kế hoạch nhu cầu sử dụng gây ra tình trạng lãng phí”, ông Thành khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục