Đấu thầu tập trung thuốc quốc gia sẽ hướng tới đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh với chất lượng thuốc tốt và giá hợp lý. Ảnh: VGP |
Tiết kiệm 477 tỷ đồng sau lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia
Tại Hội nghị triển khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, Bộ Y tế đã thông báo gói thầu đầu tiên gồm 5 hoạt chất với 22 mặt hàng thuốc, trong đó có 5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic, cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018-2019.
Đây đều là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng. Trong đó có tham khảo giá thuốc trúng thầu trong 12 tháng trước đó của các cơ sở y tế.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết, lần đầu tiên Trung tâm tổ chức đấu thầu đã giúp tiết kiệm 477 tỷ đồng. Cụ thể, tổng giá kế hoạch 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng giá trúng thầu, tiết kiệm 477 tỷ đồng, giảm khoảng 17% so với giá kế hoạch.
Riêng thuốc biệt dược tiết kiệm được 114,3 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với giá kế hoạch gói thầu. Thuốc generic tiết kiệm hơn 362 tỷ đồng, giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thuốc là mặt hàng cực kỳ quan trọng trong khám chữa bệnh vì vậy, nhiệm vụ của Bộ Y tế, của các bệnh viện là cung ứng đủ thuốc mà không làm ảnh hưởng đến công tác điều trị cho người bệnh.
“Trong lần đấu thầu tập trung đầu tiên này, Bộ Y tế đã cân nhắc rất kỹ và lựa chọn 5 hoạt chất. Nhiệm vụ tiếp theo là theo dõi chất lượng thuốc, số lượng thuốc nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tế, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Ông Vũ Đình Tiến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện K – một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của cả nước, nhận xét, đấu thầu tập trung đã giúp giá thuốc rẻ hơn nhiều so với đấu thầu riêng lẻ.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu.. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, ông Vũ Đình Tiến cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của bệnh viện này trong thực hiện đấu thầu thuốc tập trung là do trong danh mục đấu thầu đối với thuốc điều trị ung thư hiện nay chỉ có một hàm lượng, gây khó khăn khi phối hợp liều điều trị cho bệnh nhân. Hiện, tỷ lệ thuốc hóa chất ung thư, thuốc điều trị đích của bệnh viện chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 63,2%.
Vì vậy, các bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có quy định về tỷ lệ thuốc biệt dược gốc/thuốc generic nhóm 1 đối với từng hạng bệnh viện và bệnh viện chuyên khoa.
Ông Vũ Đình Tiến cũng đặt câu hỏi, khi thuốc trong kế hoạch đấu thầu tập trung sử dụng hết nhưng lại không điều chuyển được giữa các cơ sở y tế thì bệnh viện mua bổ sung bằng cách nào? Mặt khác, trong thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, nếu bệnh viện có sự thay đổi về số lượng bệnh nhân và nhu cầu sử dụng thuốc thì thuốc được lấy từ nguồn nào để sử dụng?
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ ra một số bất cập như, theo Thông tư số 11/2016/TT-BYT, Bộ Y tế không quy định các tỉnh, TP được thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung. Vì vậy, các tỉnh phải giao cho 1 bệnh viện tổ chức đấu thầu, gây tình trạng quá tải đối với bệnh viện, đặc biệt là ảnh hướng đến mối quan hệ với các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, do mô hình bệnh tật hiện nay cũng như chính sách khám chữa bệnh có nhiều thay đổi như thông tuyến huyện khám chữa bệnh BHYT hay một số đơn vị được phê duyệt thành lập khoa/phòng mới, đối với một số thuốc cấp cứu, một số nhà thầu trúng thầu không có khả năng cung ứng tiếp nên thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu.
Trong khi đó Thông tư số 11/2016/TT-BYT, Bộ Y tế quy định thuốc đấu thầu đều phải trình UBND TP phê duyệt, nên rất khó đáp ứng kịp thời phục vụ bệnh nhân.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, công tác đấu thầu thuốc đúng là còn khá nhiều vướng mắc phía trước. Mặc dù, kết quả đấu thầu đã tốt, nhưng vấn đề là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh như thế nào.
Hiện, thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh. Năm 2016, tổng chi cho thuốc từ quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 31.500 tỷ đồng, chiếm 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội. Một trong những hạn chế của tình trạng này là đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến giá trúng thầu còn khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng thuốc được Bộ thống nhất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, nhằm góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế, để giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ.