Tìm kênh thanh toán với thị trường Nga

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Nga bị phương Tây loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) gây khó khăn cho hoạt động thanh toán quốc tế của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Để giải quyết khó khăn này, có ý kiến cho rằng có thể tính đến các giải pháp tình thế như thông qua kênh thanh toán của bên thứ ba hoặc sự hỗ trợ từ Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trước mắt có thể thanh toán với thị trường Nga qua Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga. Ảnh: Song Lê
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trước mắt có thể thanh toán với thị trường Nga qua Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga. Ảnh: Song Lê

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang Nga và đang gặp nhiều khó khăn trong khâu thanh toán khoảng 4 triệu USD giá trị hàng hóa đã xuất khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nga đối mặt với vấn đề nan giải và đang loay hoay tìm giải pháp thanh toán thay thế. “Dựa trên quy mô và đặc thù của từng doanh nghiệp, họ sẽ bàn bạc với đối tác Nga chọn phương thức thanh toán có thể chấp nhận được. Doanh nghiệp hai bên cần có thời gian để xác lập kênh thanh toán thay thế hoặc tìm phương thức thanh toán phù hợp", ông Hòe nói.

Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cho biết, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Nga của doanh nghiệp này không lớn, khoảng vài chục triệu USD mỗi năm. Khi Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, nếu đối tác Nga không nhân cơ hội này gây khó khăn cho khâu thanh toán thì các bên có thể cùng tìm cách thức giải quyết phù hợp dù sẽ mất thời gian nhiều hơn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, SWIFT là hệ thống thông tin thanh toán quốc tế với sự tham gia của hơn 11 nghìn tổ chức tài chính toàn cầu. Việc Nga bị loại khỏi hệ thống này khiến hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp trên thế giới với thị trường Nga gặp khó khăn, trừ trường hợp có kênh thanh toán song phương như giữa Nga và Trung Quốc hoặc chấp nhận trở lại các giải pháp thanh toán tiền mặt.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020. Việt Nam đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga, năm 2021 xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, không chỉ ngắt kết nối với SWIFT, phương Tây còn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt tài chính với Nga và có hệ lụy với các nước khác như: phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, tổ chức và cá nhân Nga (giá trị đến nay khoảng 1.400 tỷ USD); cấm các tổ chức thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài chính quốc gia và Bộ Tài chính Nga. Với doanh nghiệp, các biện pháp trừng phạt trên gây tác động bất lợi như: rủi ro pháp lý khi chậm thanh toán, tranh chấp hay vi phạm hợp đồng…

Để khắc phục khó khăn trong thanh toán quốc tế, chuyển tiền với Nga, ông Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với cơ quan liên quan đánh giá tác động của việc Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT, khả năng hệ thống thanh toán thay thế của Nga, để có chính sách, giải pháp hỗ trợ các định chế tài chính, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo thúc đẩy phát triển kênh thanh toán song phương Việt - Nga, có thể qua Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB), một cách an toàn, hiệu quả.

“Với doanh nghiệp Việt Nam, giải pháp trước mắt có thể thanh toán qua VRB dù khả năng đáp ứng của ngân hàng này có giới hạn, hoặc thanh toán qua bên thứ ba, chẳng hạn như qua hệ thống thanh toán song phương Nga - Trung Quốc. Các cách này đều tốn nhiều thời gian và không thuận tiện, song là giải pháp tình thế phù hợp, cần có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện tốt hơn. Việc phát triển kênh thanh toán song phương giữa Việt Nam và Nga hiện tại là chưa cần thiết bởi đây chỉ là vấn đề mang tính thời điểm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều thị trường khác, trong khi việc đầu tư cho một hệ thống thanh toán như vậy đòi hỏi thời gian dài và nguồn lực lớn”, ông Hiếu nói.

Tin cùng chuyên mục