Tìm nhà thầu cung ứng, bảo quản vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tiếp cận, đàm phán mua vắc xin đã khó, việc tìm nhà thầu cung ứng, bảo quản vắc xin phòng COVID-19 đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất càng khó hơn, nhất là đối với chế độ bảo quản vắc xin ở nhiệt độ âm sâu.
Cán bộ CDC Quảng Ninh tiếp nhận và bảo quản lô vắc xin phòng bệnh Covid-19 đầu tiên tại Quảng Ninh
Cán bộ CDC Quảng Ninh tiếp nhận và bảo quản lô vắc xin phòng bệnh Covid-19 đầu tiên tại Quảng Ninh

Tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang nỗ lực làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng, đối tác trong và nước ngoài để mua, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 trên nguyên tắc đa dạng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng về nguồn gốc, xuất xứ.

Đến nay, qua nhiều kênh khác nhau, Bộ Y tế đã tiếp cận được với các nguồn vắc xin như: Chương trình Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX Faclility) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) sáng lập; vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca/Oxford (Thụy Điển – Anh), Pfizer/BioNTech (Hoa Kỳ - Đức), Moderna (Hoa Kỳ), Johnson&Johnson (Hoa Kỳ), vắc xin Sputnik-V của Viện Nghiên cứu Gamaleya (CHLB Nga)…

Các vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép sử dụng trên thế giới đến nay có điều kiện bảo quản ở nhiệt độ khác nhau (vắc xin của Pfizer từ -80 oC đến -60oC, vắc xin của Moderna từ -50oC đến -15oC, vắc xin của Johnson&Johnson từ -25oC đến -15oC, vắc xin Sputnik V là ≤-18oC, vắc xin của AstraZeneca từ 2oC - 8oC,...).

Đơn cử như vắc xin của Pfizer. Trong năm 2021, Việt Nam sẽ có thêm 31 triệu liều vắc xin của Pfizer. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản vắc xin của Pfizer rất khắt khe, ở nhiệt độ âm sâu -75oC (+/-15oC) trong vòng 6 tháng hoặc bảo quản ở nhiệt độ từ -15 đến -25oC trong vòng 2 tuần, sau khi rã đông chỉ có thể bảo quản ở nhiệt đột từ 2 - 8oC trong vòng 5 ngày, sau khi hòa tan vắc xin vào dung môi chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ ở nhiệt độ phòng không quá 25oC. Cùng với nhiều nguyên nhân khác nữa, tỷ lệ hao phí, hủy do hết hạn của vắc xin này có thể cao.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, năng lực của hệ thống dây chuyền lạnh trong tiêm chủng mở rộng có thể bảo đảm việc vận chuyển, bảo quản các vắc xin có điều kiện bảo quản ở nhiệt độ thông thường từ 2oC đến 8oC, tuy nhiên năng lực để bảo quản vắc xin ở nhiệt độ âm sâu (chẳng hạn như: từ -80oC đến -60oC; từ -50oC đến -15oC; ≤ -18 oC) còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng vắc xin phòng COVID-19 thường ngắn, 6 tháng từ khi sản xuất, về đến Việt Nam chỉ còn 3 – 4 tháng, thậm chí lô vắc xin của COVAX mới nhận tháng 4/2021 chỉ còn 2 tháng. Do đó, cần phải huy động cả hệ thống y tế công lập và tư nhân tham gia mới không phải hủy vắc xin do quá hạn.

Do đó, để cùng nỗ lực, chung tay với Chính phủ và Bộ Y tế đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế vừa phát đi công văn kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức có đủ điều kiện, tiềm lực tham gia vào việc cung ứng, bảo quản vắc xin phòng COVID-19. Từ thông tin này, cơ quan chức năng mới sớm có cơ sở để đánh giá khả năng nhập khẩu, cung ứng dịch vụ bảo quản vắc xin phòng COVID-19.

Dự kiến, sau khi đàm phán mua vắc xin thành công, Bộ Y tế căn cứ kế hoạch giao hàng (số lượng, tiến độ, địa điểm giao hàng…) để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp các dịch vụ bảo quản, vận chuyển, tiêm vắc xin (nếu cần thiết) hoặc chủ động thực hiện. Theo đó, Bộ Y tế phải hình thành gói thầu riêng biệt để tổ chức lựa chon nhà thầu phân phối vắc xin theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục