Tín dụng tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những năm gần đây, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung, nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.
Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 1,23% so với cuối năm 2019. Ảnh: Internet
Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 1,23% so với cuối năm 2019. Ảnh: Internet

Cụ thể, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản (BĐS) trong tổng dư nợ lĩnh vực BĐS ngày càng giảm (31/12/2017 là 45,63%, 31/12/2018 là 35,49%, 31/12/2019 là 32,95%).

Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng; trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng BĐS.

Tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán qua các năm 2018 là 14,7%, năm 2019 là 6,79%. Đến cuối tháng 3/2020, lĩnh vực cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 0,92%, chiếm 0,36%. 

Tăng trưởng tín dụng phục vụ đời sống đã được kiểm soát qua các năm: 2016 là 48%, 2017 là 36,07%; 2018 là 29,59% và 2019 là 19,49%. Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 0,26%, chiếm 20,44%.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.

Về tổng thể, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó, tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2016 - 2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp bình quân tăng 9,17%/năm, chiếm trên 20% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng ngành xây dựng bình quân tăng 12,76%, chiếm 9,64%. Tín dụng ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng ổn định, đạt mức trung bình khoảng 18,6%, chiếm từ 57 - 62,5%; trong đó, ngành Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là ngành có dư nợ cao nhất, chiếm từ 16,7 - 20,5%.

Tạm tính đến cuối tháng 3/2020, tín dụng ngành công nghiệp tăng 2,11% so với cuối năm 2019, chiếm 19,19% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng ngành xây dựng tăng 2%, chiếm 9,84%; tín dụng đối với ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,45%, chiếm 20,31%.

Trong lĩnh vực ưu tiên, bình quân giai đoạn 2016 - 2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 19,83%, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 16,35%, chiếm 19%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 7%, chiếm 3,2%; công nghiệp hỗ trợ tăng 19,57%, chiếm 2,81%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,6%, chiếm 0,42%.

Tạm tính đến cuối tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 0,86%, chiếm 24,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,2%, chiếm 19,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,74%, chiếm 2,99%; công nghiệp hỗ trợ tăng 1,38%, chiếm 2,83%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 5,42%, chiếm 0,39%.

Tin cùng chuyên mục