Những vụ thu hồi tài sản đảm bảo như tòa nhà Saigon One Tower đã tạo động lực cho các ngân hàng trong xử lý nợ xấu |
Cuối tháng 4 vừa qua, SCB đã thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản vay quá hạn của Công ty Xuất nhập khẩu HPH theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, vào cuối tháng 3, ngân hàng này đã gửi Thông báo đề nghị Công ty HPH tự nguyện bàn giao tài sản thế chấp, nhưng hết thời gian quy định, khách hàng không thực hiện.
Cũng căn cứ Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, LienVietPostBank vừa thông báo tiến hành thu giữ 4 tài sản là bất động sản của hai khách hàng là Công ty TNHH MTV Cường Trang và khách hàng Nguyễn Thị Dung ở Thanh Hóa phát sinh nợ quá hạn tại chi nhánh.
Đây là hai trong nhiều vụ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ quá hạn mà các ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã và đang tiến hành nhờ sự “mở đường” của Nghị quyết 42.
Trước đó, chỉ 6 ngày sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực, VAMC xiết nợ tòa nhà Saigon One Tower vào ngày 21/8/2017. Tiếp đó, 6 tổ chức tín dụng được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu (bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank) tính đến 30/11/2017 đã xử lý được 20.440 tỷ đồng nợ xấu.
Hay VPBank đã thu hồi tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ, TP.HCM và gần đây MB thu hồi khách sạn 5 sao của Công ty Bạch Việt tại Đà Lạt.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, phải khẳng định, Nghị quyết 42 là cú huých cho việc ổn định thị trường tiền tệ trong nước, góp phần đưa quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, “có vay phải có trả”.
Trong khi đó, TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, Nghị quyết 42 là văn bản pháp luật cao nhất về xử lý nợ xấu. Theo đó, quyền chủ nợ được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng, VAMC; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, VAMC khi xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ.
“Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng mua, bán nợ theo giá trị thị trường, nhận thế chấp bổ sung tài sản bảo đảm… cũng tạo tiền đề cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực và hiệu quả. Như vậy, hành lang pháp lý đối với hoạt động xử lý nợ xấu đã được hoàn thiện sau thời gian dài ngành ngân hàng phải đối diện với khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện”, TS. Thắng nói.
TS. Thắng thông tin thêm, với những thuận lợi có được sau khi hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu được bổ sung và hoàn thiện, sau 5 năm hoạt động kể từ khi thành lập, hoạt động của VAMC đã thu được những kết quả tích cực.
Tính đến tháng 4/2018, tổng nợ xấu VAMC đã mua thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt gần 278.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường đạt hơn 3.000 tỷ đồng theo giá mua nợ, xử lý, thu hồi nợ được hơn 86.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu đã mua.
Nợ xấu xử lý qua VAMC (bán qua VAMC) ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý, góp phần đáng kể trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3%, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao.
Được biết, đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường xử lý nợ xấu, có các giải pháp hiệu quả nhằm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, phối hợp với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC, tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định; xem xét, đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Mục tiêu của VAMC năm 2018 là mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt từ 27.000 - 32.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt; mua bán nợ theo giá thị trường 3.500 tỷ đồng; thu hồi nợ khoảng 24.890 tỷ đồng.