Một tàu chở dầu đang dỡ hàng tại cảng Singapore - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi Trung Quốc phát tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại với Mỹ. Tin tốt về thương chiến giúp xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Washington đã nhất trí dỡ dần thuế quan trừng phạt đã áp lên hàng hóa của nhau, nhưng không đưa ra một lộ trình cụ thể. Phía Mỹ chưa chính thức công bố thông tin này, dù một quan chức Nhà Trắng đề nghị không tiết lộ danh tính đã xác nhận với hãng tin Reuters.
Diễn biến thương chiến Mỹ-Trung là một trong những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến diễn biến giá dầu thế giới trong năm nay, đặc biệt là những tháng gần đây. Xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, gây suy giảm triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, dẫn tới lo ngại về tình trạng dư thừa dầu.
Hôm thứ Tư, giá dầu sụt mạnh, một phần do lo ngại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung sẽ bị hoãn.
"Ngày hôm nay, thị trường mở cửa với những thông tin mới khả quan hơn về một thỏa thuận đang hình thành. Nhờ đó mà giá dầu được hỗ trợ", nhà phân tích Olivier Jakob thuộc Petromatrix nhận xét.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London tăng 0,58 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, đạt 62,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 12 tại New York tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 57,15 USD/thùng.
Giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm từ báo cáo của Chính phủ Mỹ hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng 7,9 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo của giới phân tích.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã tăng 15%, một phần nhờ nỗ lực hạn chế khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5-6/12 để rà soát chính sách sản lượng.
Tuần này, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói ông lạc quan về triển vọng thị trường dầu năm 2020 vì những diễn biến tích cực gần đây của đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tuyên bố này được xem là giảm bớt sự cần thiết phải cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Mặc dù vậy, giới phân tích còn hoài nghi về khả năng Mỹ-Trung thực sự ký được một thỏa thuận.
"Nỗi lo này không phải là quá lớn, nhưng nếu hai bên không chốt được ngày ký thỏa thuận, thì lo ngại sẽ tăng cao", nhà phân tích Craig Erlam thuộc công ty môi giới OANDA phát biểu.