Việc mua sắm thuốc, vật tư, hàng hóa bán lẻ trong nhà thuốc bệnh viện có sử dụng nguồn thu hợp pháp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023, hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện dự toán mua sắm, mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu. Do đó, ngoại trừ cơ chế tự quyết đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do Quỹ BHYT chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu năm 2023, tất cả hàng hóa còn lại đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngoài các hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.., trường hợp để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh (KCB), các CSYT có thể lựa chọn áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ thực tế triển khai quy định trên cho thấy, việc bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện có tính đặc thù như bán thuốc theo nhu cầu điều trị của người bệnh, không dự trù trước được số lượng. Nếu chỉ được áp dụng mua sắm trực tiếp 1 lần đối với 1 loại hàng hóa theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu thì chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cần phải mua ngay các loại thuốc phù hợp với công tác KCB để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện.
Để đảm bảo kịp thời nguồn cung thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác KCB trong các cơ sở y tế công lập, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu - đề xuất, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu năm 2023. Đề xuất sửa đổi nhằm cho phép chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc các loại thuốc trong trường hợp mua sắm trực tiếp thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở KCB (khoản 15 Điều 4 Dự thảo Luật).
Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến tán thành của các đại biểu Quốc hội vì cho rằng sẽ góp phần tăng sự chủ động, linh hoạt cho nhà thuốc bệnh viện, đáp ứng được tính đặc thù của việc bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Đồng thời, người dân có cơ hội tiếp cận các nguồn thuốc chất lượng một cách nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu KCB, tránh tình trạng phải ra bên ngoài mua mà không kiểm soát được chất lượng, giá cả.
Tuy vậy, một số đại biểu có ý kiến cần mở rộng hơn nữa quyền tự quyết trong mua sắm thuốc, vật tư y tế, hàng hóa bán lẻ (bỉm, sữa, xô, chậu…) tại nhà thuốc bệnh viện, tương tự như với thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế, vắc xin tiêm chủng dịch vụ để phù hợp với cơ chế tự chủ bệnh viện hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tại cuộc thảo luận ở Tổ, có đại biểu đề nghị ngành y tế không cần phải đấu thầu mà thích mua gì thì mua, không phải thực hiện cơ chế đấu thầu. Tuy nhiên, điều này không đúng. “Chúng ta là một nhà nước pháp quyền thì tất cả phải thực hiện theo một khuôn khổ pháp lý chung”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Ngoài việc tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh hay mua sắm trực tiếp nhiều lần như đề xuất tại Dự thảo Luật, CSYT còn có thể áp dụng nhiều hình thức mua sắm nhanh chóng với thủ tục đơn giản như: tùy chọn mua thêm ngay khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, áp dụng mua sắm trực tuyến và chào hàng trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi tính năng này được vận hành.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa bán lẻ trong nhà thuốc bệnh viện được triển khai và hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu.
Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu Cung cấp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương cho Hệ thống nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai năm 2024 - 2025 chia thành 375 phần/lô trong hơn 1 tháng (13/9/2024 - 10/10/2024). Gói thầu có giá 401,022 tỷ đồng thu hút 11 nhà thầu tham dự 333 danh mục thuốc mời thầu (42 danh mục không có nhà thầu tham dự). Kết quả, có 9 nhà thầu trúng thầu cung cấp 313 danh mục thuốc với tổng giá trị 323,774 tỷ đồng.
Tương tự, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chọn xong nhà thầu cho 2 trong 3 gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thuốc nhà thuốc Bệnh viện năm 2024 hơn 424,604 tỷ đồng. Bệnh viện Chợ Rẫy đã chọn được nhà thầu thực hiện 1 trong 3 gói thầu thuộc Dự toán Mua thuốc phục vụ nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy lần 1 năm 2024 hơn 738,154 tỷ đồng…
Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa hoàn tất lựa chọn nhà thầu Gói thầu 01 Gói thầu Thuốc generic (172 danh mục) 242,533 tỷ đồng thuộc Dự toán Cung cấp thuốc generic cho hệ thống nhà thuốc Bệnh viện năm 2024.
Không chỉ mua thuốc, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã đấu thầu rộng rãi Gói thầu Mua sắm thiết bị y tế cung ứng cho nhà thuốc Bệnh viện năm 2024 - 2025 (52 phần) hơn 8,937 tỷ đồng và hoàn thành llwaj chọn nhà thầu vào cuối tháng 8/2024…