Ngày 28/4, Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố Sách trắng Doanh nghiệp năm 2020. Theo số liệu của TCTK, tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, có 269.169 DN kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; có 295.731 DN kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.
Cập nhật số liệu của năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có số DN thành lập mới năm 2019 nhiều nhất với 99.548 DN, tăng 5,1% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 DN, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.029 DN, tăng 9,9%. Theo địa phương: Có 30/63 địa phương có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (5,2%); có 10/63 địa phương có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn tốc độ tăng bình quân chung cả nước; có 23/63 địa phương có số DN thành lập mới năm 2019 giảm so với năm 2018.
Tổng vốn đăng ký của các DN thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018.
Năm 2019, cả nước có 39.421 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019. Tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 DN, tăng 5,9% so với năm 2018; có 43.711 DN chờ giải thể, tăng 41,7% và có 16.840 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,0%.
Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành Thống kê tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, có 269.169 DN kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; có 295.731 DN kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.
Để phát triển DN trong thời gian tới, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra nhiều đề xuất hướng tới 4 nhóm chủ thể chính, đó là cơ quan nhà nước; các địa phương; doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực doanh nghiệp. Tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến nhanh và phức tạp trên thế giới và ngay tại Việt Nam, Nhà nước cần có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Một số giải pháp cụ thể được TCTK đưa ra là: Khai thác và phát triển thị trường nội địa; Cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu; Cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với các địa phương, cần xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững cho địa phương. Về phía doanh nghiệp, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong; chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.
Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội…