TP.HCM: Chọn nhà thầu uy tín để có tuyến xe buýt nhanh mẫu mực

(BĐT) - Công tác đấu thầu Dự án Tuyến xe buýt nhanh (BRT) đang được TP.HCM dành nhiều quan tâm với quyết tâm xây dựng một tuyến BRT mẫu mực và hiệu quả.
Hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Lê Tiên
Hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 22/12/2015, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến về thiết kế chi tiết của tuyến xe buýt nhanh số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Đây là hạng mục của Gói thầu dịch vụ tư vấn “Tư vấn thiết kế, lập dự toán và hỗ trợ đấu thầu cho các gói xây lắp và hàng hóa” thuộc Tiểu dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM.

Một dự án hiếm hoi không lo về vốn

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng  Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP.HCM cho biết, hạ tầng giao thông công cộng hiện chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu đi lại cho người dân Thành phố. 6 tuyến BRT có tổng chiều dài hơn 100 km có quy mô vốn không quá lớn, lại có ý nghĩa tích cực khi giải quyết bài toán quá tải phương tiện giao thông nên có nhiều nhà tài trợ quan tâm. Cụ thể, Hợp phần 1 của Dự án có tổng mức đầu tư là 137,5 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 124 triệu USD. Chính phủ Thụy Sỹ cũng vừa đồng ý tham gia một khoản tài trợ trị giá 10,5 triệu USD cho Dự án.

Ngân hàng Thế  giới rất quan tâm đến công tác đấu thầu Dự án xe buýt nhanh tại TP.HCM

Ông Paul Valley,
Trưởng Ban Giao thông
Ngân hàng Thế giới

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Lê Hoàng Minh chia sẻ, chi phí đầu tư cho BRT thấp hơn nhiều so với metro, tramway. Với suất đầu tư từ 1 đến 2 triệu USD/km BRT, đây sẽ là một hướng đi mới được Thành phố ưu tiên phát triển.

Ông Paul Valley - Trưởng Ban Giao thông của WB khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn huy động cho hạ tầng giao thông công cộng tại đô thị như TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn vì kinh phí lớn thì việc triển khai các tuyến BRT lại rất phù hợp vì tổng mức đầu tư hoàn toàn có thể sắp xếp được. Bên cạnh đó, triển khai BRT mang nhiều giá trị bền vững khi lấy con người làm trung tâm, Dự án hoàn toàn triển khai theo tiêu chuẩn xanh, thân thiên môi trường và tiết kiệm năng lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội cao”. 

Coi trọng chất lượng công tác đấu thầu

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, đến nay, tiến độ của Dự án đang được đẩy nhanh theo đúng kế hoạch. Ông Lương Minh Phúc cho biết, thiết kế chi tiết đã hoàn thành và đang cần xin ý kiến của các chuyên gia. Tư vấn thiết kế chi tiết, lập dự toán dự án này là nhà thầu MVA SYSTRA (Pháp), một nhà thầu có nhiều kinh nghiệm về BRT khi đã thực hiện rất nhiều gói thầu tương tự trên thế giới. “Năm 2016 chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp, hàng hóa của hợp phần 1. Chúng tôi đưa ra những yêu cầu cao đối với nhà thầu tư vấn thiết kế chi tiết, lập dự toán và hỗ trợ đấu thầu để có thể thực hiện các bước trong quá trình tổ chức đấu thầu một cách chuẩn mực nhất” - ông Lương Minh Phúc cho biết thêm.

Theo tiến độ này, trong năm 2016, TP.HCM sẽ đánh giá các hồ sơ dự thầu để tìm được nhà thầu đủ năng lực nhất. Đầu năm 2017, sau khi thương thảo và ký kết hợp đồng, chúng tôi sẽ triển khai ngay các hạng mục xây lắp. Dự kiến, cuối năm 2018, đầu năm 2019 sẽ đưa công trình vào khai thác, sử dụng.     

Việc nâng cao chất lượng công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp các dịch vụ của Dự án BRT tại TP.HCM sẽ góp phần quan trọng đến sự thành công của Dự án mà Ngân hàng Thế giới (WB) dành nhiều quan tâm. Đối với các dự án mà WB tài trợ, dành nhiều hỗ trợ, chúng tôi luôn coi trọng các khâu tổ chức đấu thầu phải thực hiện theo tiêu chí minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam cũng như của WB.

Tin cùng chuyên mục