Điều chỉnh tăng thêm lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích cho người lao động trực tiếp sẽ tác động đến chi phí gói thầu dịch vụ công ích. Ảnh: Lê Tiên |
Tính đúng, tính đủ tiền lương cho người lao động
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát lại việc áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố. Mục đích là nhằm tính đúng, tính đủ tiền lương của người lao động trực tiếp trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố, đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động. Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, đơn vị này đang tổ chức nhiều buổi trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm hoàn chỉnh hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, TP.HCM đã ban hành Quyết định áp dụng mức lương để tính chi phí nhân công trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn. Theo đó, mức lương được áp dụng với điều kiện giảm ít nhất 40% định mức nhân công trực tiếp trong Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật được ban hành trước năm 2014 cho đến khi Thành phố ban hành định mức mới (riêng định mức nhân công trong máy thi công giữ nguyên).
Được biết, hiện nhiều địa phương trong cả nước cũng đang gấp rút rà soát, điều chỉnh lại hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương cho người lao động làm việc trong các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.
Đơn cử như tại Lào Cai, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo công việc áp dụng các hệ số phụ cấp cụ thể. Theo đó, công việc nạo vét cống ngầm bằng thủ công trong cống thiếu ánh sánh, thiếu dưỡng khí, hôi thối có hệ số 0,4. Nạo vét bùn cống ngầm ngang đường bằng thủ công; xây lắp sửa chữa cống ngầm; xúc san bãi rác; hạ cây, chặt cây, tỉa cây từ loại II trở lên, phải làm việc trên cao nguy hiểm có hệ số 0,3. ..
Theo các chuyên gia về đấu thầu, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích đang sử dụng lực lượng lao động rất lớn và lương là yếu tố rất quan trọng để hình thành đơn giá các loại sản phẩm, dịch vụ này. Do đó, với những điều chỉnh đã và đang được nhiều địa phương triển khai nhằm tính đúng, tính đủ cho người lao động, đặc biệt để đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động, chắc chắn trong thời gian tới sẽ tác động nhiều đến việc xây dựng giá kế hoạch cho các gói thầu dịch vụ công ích, giá dự thầu của các nhà thầu.
Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp công ích
Tại TP.HCM, ngoài rà soát để điều chỉnh lại hệ số tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích nhằm tạo điều kiện để người lao động trực tiếp trong lĩnh vực này cải thiện mức sống, đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, Thành phố đang đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) công ích. UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở KH&ĐT, các sở ngành xây dựng kế hoạch khắc phục tình trạng độc quyền trong thực hiện dịch vụ công ích bằng cách đẩy nhanh cổ phần hóa các DN công ích.
Theo Ban Đổi mới quản lý DN TP.HCM, ngay từ năm 2014 đã có phương án tái cơ cấu DN nhà nước thuộc UBND Thành phố, trong đó có 25 DN cung cấp dịch vụ công ích sẽ được cổ phần hóa. Các DN đầu tiên được lựa chọn là Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh. Thành phố chỉ cho phép giữ 2 DN 100% vốn nhà nước do UBND Thành phố làm chủ sở hữu là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị.
Tuy nhiên, hiện TP.HCM còn có 22 công ty công ích trên địa bàn quận huyện chưa được cổ phần hóa. Các DN này đang nắm nhiều mặt bằng đất đai, có nhiều địa chỉ ở các vị trí trung tâm đô thị, có giá trị cao, thuận lợi cho đầu tư phát triển nếu được cổ phần hóa đúng giá trị. TP.HCM cũng cho biết, năm 2017 sẽ rà soát, đề xuất kế hoạch cổ phần hóa mạnh mẽ đối với DN độc quyền nhằm mang lại chất lượng dịch vụ công ích tối đa cho người dân.
Một trong những mục đích của cổ phần hóa là thanh lọc đội ngũ lãnh đạo yếu kém, trì trệ. Dịch vụ công ích là một lĩnh vực đang có sự chênh lệch rất lớn giữa thu nhập của người lao động và lãnh đạo. “Tại TP.HCM từ năm 2013 đến nay chỉ tổ chức đấu thầu và đặt hàng, không còn giao kế hoạch đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích. Rà soát để điều chỉnh tăng thêm lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích cho người lao động trực tiếp được cho là sẽ hỗ trợ nhiều cho việc nâng cao chất lượng xây dựng giá kế hoạch, xác định đúng mức giá trị các gói thầu. Đây cũng là cách tính đúng, tính đủ chi phí cho các gói thầu dịch vụ công ích thời gian tới” - đại diện Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết.