TP.HCM hiện có khoảng 474 chung cư cũ cần được kiểm định. Ảnh: Quang Tuấn
Hiểm nguy rình rập, tiến độ xây dựng lại chậm
Theo thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 474 chung cư cũ cần được kiểm định, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 cho đến nay. Ngoài ra, còn có đến 106 chung cư, nhà tập thể đã bị xuống cấp nặng, trong đó có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5; chung cư Cô Giang, quận 1; chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa, quận Bình Thạnh… Trước tình hình đó, tới đây Thành phố sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 m2 sàn. Đồng thời, sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696 m2 sàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng mới các chung cư cũ hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm. Trong khi đó, do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nên các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, một phần của nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những bất cập trong cơ chế lựa chọn chủ đầu tư. Cụ thể, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cho phép các chủ sở hữu nhà chung cư được quyền lựa chọn DN bất động sản tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn hoặc góp vốn thực hiện việc phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó. Nhưng, phương thức này có nhược điểm là khi thông qua đại hội nhà chung cư thì khó tìm được sự đồng thuận của các chủ sở hữu nhà chung cư và mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng được yêu cầu cấp bách để xử lý các chung cư bị hư hỏng nặng cũng như yêu cầu chỉnh trang đô thị.
Chưa hết, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định quy định thêm, đối với nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được DN để thực hiện, thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư xây dựng lại chung cư, hoặc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư.
Mặt khác, tại Khoản 3, Điều 9 quy định Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố quyết định lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. “Phương thức này có nhược điểm là mất rất nhiều thời gian, bởi vì chỉ sau khi các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước mới tham gia; và chỉ áp dụng đối với trường hợp chung cư thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại”, ông Châu phân tích.
Đề xuất cơ chế riêng
Tương tự, HoREA còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND TP.HCM xem xét, quyết định chỉ định thầu đối với nhà đầu tư các dự án nói trên trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; hoặc chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện thu xếp vốn; hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất do UBND TP.HCM xét duyệt. Riêng việc phân cấp phê duyệt dự án, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng ủy quyền cho UBND TP.HCM xem xét quyết định phê duyệt tất cả các dự án nhà ở trên địa bàn, không phân biệt quy mô, để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian và tiết kiệm chi phí.
Trước những kiến nghị trên của HoREA, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu, trong tháng 6/2016, Sở Xây dựng phải xây dựng xong cơ chế đặc thù về xây dựng chung cư cũ. Nếu cứ để ngâm lâu như hiện nay thì không ổn, tai họa khó lường. Đặc biệt, phải chủ động đề xuất các yêu cầu, công khai và báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ. Không thể để người dân sống trong chung cư nguy hiểm như vậy được. Vẫn theo ông Thăng, với những vướng mắc và hạn chế thuộc về thẩm quyền giải quyết của Thành phố, lãnh đạo Thành phố cam kết giải quyết trong thời gian sớm nhất. Trường hợp các vướng mắc thuộc về Chính phủ, Trung ương, lãnh đạo Thành phố sẽ có văn bản kiến nghị kịp thời để xin ý kiến chỉ đạo.