Theo Bên mời thầu, tại Việt Nam và trên thế giới, không có bất kỳ nhà cung cấp nào độc quyền công nghệ sử dụng Plasma để xử lý rác thải. Ảnh: St |
Nhà thầu phản ứng với HSMT
Gói thầu nêu trên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang làm bên mời thầu (BMT), Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Gói thầu có giá 113,452 tỷ đồng, được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 17/12/2020 đến ngày 7/1/2021. Trong thời gian phát hành HSMT, có hai nhà thầu kiến nghị về một số nội dung liên quan đến thiết bị, công nghệ của Gói thầu.
Thứ nhất, Hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma mà HSMT yêu cầu là công nghệ độc quyền của hãng Petech Việt Nam. Nhà thầu cho biết, cấu hình kỹ thuật cho hệ thống thiết bị của gói thầu này là hệ thống công nghệ Petech PJMI xử lý rác thải do Petech sáng chế, có sử dụng một số thiết bị chính (như đầu đốt Plasma...) của các hãng nước ngoài. Hiện nay chỉ duy nhất công nghệ Plasma PJMI của Petech đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của HSMT, như: thủy tinh hóa rác thải; hệ thống xử lý; đầu đốt sơ cấp…
Thứ hai, theo một số nhà thầu, yêu cầu của HSMT có điểm chưa đúng, chưa phù hợp. Cụ thể, “Mục 1. Modul đốt chất thải y tế thuộc Phần III. Chỉ tiêu kỹ thuật: Yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng: Tiêu chuẩn chất lượng: QCVN 02:2012/BTNMT: Quy chuẩn và ứng dụng công nghệ không khói” là không chính xác. QCVN 02/2012/BTNMT là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế, không có nội dung về "ứng dụng công nghệ không khói". Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện có chủ trương hạn chế đầu tư mới lò đốt chất thải rắn công suất nhỏ hơn 300kg/h theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT ngày 1/5/2016. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật của module chất thải y tế chỉ từ 210kg/h là không phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện chủ trương “ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Nhưng, quy trình biến đổi của hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma nêu trong HSMT sử dụng lò đốt, đồng thời chưa đề cập đến vấn đề kiểm soát khí, do đó, không có đủ cơ sở đảm bảo cho việc ưu tiên xử lý công nghệ không đốt thân thiện với môi trường để xử lý chất thải.
Thứ ba, nhà thầu cho rằng, thực tế công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện và chưa thể thương mại hóa được trên thị trường. Tại Việt Nam, lò đốt Plasma cho xử lý chất thải y tế chưa được thử nghiệm, thí điểm sử dụng.
Do đó, các nhà thầu băn khoăn liệu tiêu chí về công nghệ nêu trên có đảm bảo hiệu quả đầu tư của Dự án?
Bên mời thầu nói gì?
Ngày 23/12/2020, BMT có văn bản điều chỉnh HSMT về yêu cầu kỹ thuật từ “hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma” thành “hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma (hoặc công nghệ khác tương đương hoặc công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn công nghệ Plasma)”. Theo BMT, sau khi rà soát, nhận thấy có sơ suất về nội dung này nên đã điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, các tiêu chí kỹ thuật còn lại của HSMT không đổi.
Ngày 5/1/2021, BMT tiếp tục có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu về các vấn đề nêu trên. Theo BMT, công nghệ sử dụng Plasma để xử lý rác thải là công nghệ hiện đại, tiên tiến. “Tại Việt Nam và trên thế giới, không có nhà cung cấp nào độc quyền công nghệ hoặc độc quyền sản xuất các thiết bị cho công nghệ này”, BMT khẳng định. BMT cũng cho rằng, trong nước có nhiều nhà cung cấp hệ thống đốt rác sử dụng công nghệ này và nhiều nhà thầu có giấy phép bán hàng hoặc ủy quyền bán hàng từ nhà sản xuất đều có thể cung cấp và lắp đặt. BMT còn cho rằng, hiện có nhiều nhà cung cấp nước ngoài cho các thiết bị đầu đốt Plasma.
“Phương án và công nghệ xử lý rác thải đã được thông qua các cấp có thẩm quyền ở Kiên Giang và tất cả các thông số kỹ thuật đều được xây dựng theo hướng mở, không có bất cứ yêu cầu nào về thương hiệu, kiểu dáng hay xuất xứ thiết bị và các nhà thầu vẫn được quyền chào thầu với công nghệ khác”, BMT cho biết.