Cùng với thiết bị thi công chủ yếu, nhân sự chủ chốt là một trong những nội dung trọng yếu để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xây lắp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nhà thầu “kêu” hạn chế cạnh tranh
Đầu tháng 11/2024, Chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) tổ chức mời thầu Gói thầu Thi công xây dựng (dự toán 86 tỷ đồng) thuộc Dự án Đường trục phía Tây Nam kết nối với huyện Hoài Đức và khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc đoạn ĐH 02 đi ĐH 01. Tại HSMT yêu cầu 6 vị trí nhân sự chủ chốt, gồm: chỉ huy trưởng, cán bộ phụ trách hạng mục đường giao thông, cán bộ phụ trách hạng mục thoát nước, cán bộ kỹ thuật phụ trách hạng mục điện chiếu sáng, cán bộ phụ trách an toàn lao động (ATLĐ).
Phản ứng với yêu cầu này, một nhà thầu cho rằng, HSMT vi phạm khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu khi “đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông”. Nhà thầu hiểu rằng, ngoài chỉ huy trưởng là vị trí mà pháp luật xây dựng có yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh (Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng) bắt buộc phải quy định trong HSMT, tất cả các vị trí còn lại đều là cán bộ kỹ thuật thông thường, không phải là nhân sự chủ chốt, do đó không được yêu cầu trong HSMT.
Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường liên xã An Bá - Tuấn Đạo - Thanh Luận, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang (giá dự toán 55,5 tỷ đồng) cũng ghi nhận phản ánh tương tự. Theo nhà thầu kiến nghị, việc HSMT quy định thêm các vị trí phụ trách kỹ thuật thi công ngoài chỉ huy trưởng là không tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, gây hạn chế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các kiến nghị liên quan đến trình độ, bằng cấp của nhân sự chỉ huy trưởng cũng khá phổ biến. Tại Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường giao thông kết nối Khu công nghiệp Hữu Lũng, ĐT.245 với QL.31 - Cảng Mỹ An (tỉnh Bắc Giang), nhà thầu kiến nghị cho rằng, HSMT yêu cầu chỉ huy trưởng có bằng đại học trở lên chuyên ngành xây dựng là không phù hợp với pháp luật chuyên ngành, bởi Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định: “Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tương ứng với công trình hạng III: có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm từ 2 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp”. “Đối với công trình cấp III (hạng III) thì các cá nhân có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, có số năm kinh nghiệm là 3 năm vẫn đáp ứng được điều kiện hành nghề. Tại sao Bên mời thầu lại yêu cầu phải là trình độ đại học trở lên?”, nhà thầu đặt câu hỏi.
Cùng thời điểm, Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang (giá dự toán 574 tỷ đồng) cũng phát sinh tranh cãi tương tự. Nhà thầu kiến nghị, việc HSMT yêu cầu nhân sự phụ trách ATLĐ phải tốt nghiệp đại học là không phù hợp, bởi Điều 36 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, điều kiện đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách như sau: có trình độ đại học, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm; hoặc có trình độ cao đẳng, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm; hoặc có trình độ trung cấp, có 5 năm kinh nghiệm... Theo đó, Nhà thầu cho rằng, việc yêu cầu trình độ đại học là cao hơn quy định chuyên ngành, gây hạn chế nhà thầu.
Hiểu đúng về tiêu chí nhân sự
Lý giải về cơ sở pháp lý trong việc đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt như trên, các chủ đầu tư, bên mời thầu cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, nhà thầu xây dựng có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý thi công phù hợp với quy mô, tính chất của công trình, nêu rõ sơ đồ tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân đối với công tác quản lý thi công xây dựng, trong đó bao gồm cả các cá nhân phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp. Đồng thời, Điều 21 Nghị định này quy định, người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu xây dựng là một trong những thành phần chịu trách nhiệm thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng công việc xây dựng đã được thi công, nghiệm thu (là thành phần ký biên bản nghiệm thu).
Căn cứ các quy định này, chủ đầu tư khẳng định, trong lĩnh vực xây lắp, nhất là những gói thầu có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, ngoài chỉ huy trưởng, các vị trí kỹ thuật thi công trực tiếp là cần thiết, nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý chất lượng công trình theo quy định pháp luật xây dựng, đồng thời bảo đảm cơ sở giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, trường hợp muốn quản lý chặt chẽ, kiểm soát về tiến độ, chất lượng của hợp đồng, chủ đầu tư có quyền quy định trong HSMT các vị trí phụ trách kỹ thuật chuyên môn ngoài chỉ huy trưởng với số lượng, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu. “Liên quan đến trình độ, bằng cấp của nhân sự, pháp luật xây dựng chỉ quy định điều kiện tối thiểu (trung cấp) để cá nhân được tham gia thực hiện công trình. Khi tổ chức đấu thầu, bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu đầu tư, quy mô, tính chất cụ thể của gói thầu để đưa ra yêu cầu trong HSMT. Các yêu cầu này có thể cao hơn điều kiện tối thiểu trong pháp luật xây dựng, điều này không vi phạm pháp luật chuyên ngành”, ông Tuấn khẳng định.
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, pháp luật đấu thầu đưa ra quy định khung, căn cứ vào đó, chủ đầu tư, bên mời thầu linh hoạt, cụ thể hóa đối với từng HSMT. “Không thể đánh đồng, “cào bằng” quy định tại gói thầu quy mô 10 tỷ đồng với gói thầu quy mô hàng trăm, nghìn tỷ đồng”, ông Hùng nêu quan điểm.