Giá dự thầu sau giảm giá của nhà thầu trúng thầu - Công ty TNHH Hoàng Phúc là 1,7 tỷ đồng trong khi giá dự thầu của SCT là 1,47 tỷ đồng. Ảnh: Nam Hoài |
Bị loại vì... hàng hóa không có xuất xứ từ G7
Theo phản ánh, Thông báo số 18/TB-ĐCT đề ngày 6/6/2017 của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết SCT bị loại với 4 lý do. Một là đặc tính kỹ thuật một số thiết bị chính không đáp ứng yêu cầu: điều khiển tín hiệu và điều khiển động lực cho 2 loại thang đề xuất của Thái Lan trong khi HSMT yêu cầu của G7. Hai là kích thước hố giếng thang cho thang tải trọng 900 kg không đáp ứng yêu cầu (độ sâu giếng thang là 2,5m, HSMT là 2,4m). Ba là kích thước phòng thang cho thang tải trọng 550 kg không đáp ứng yêu cầu (đề xuất 2,2m, HSMT là 2,4m). Bốn là giải pháp kỹ thuật sơ sài, không hợp lý, giải pháp thi công áp dụng thang máy loại có phòng máy.
Cho rằng những lý do loại nhà thầu nêu trên là không thỏa đáng, ông Trần Đức Thắng – Giám đốc SCT đã có Văn bản kiến nghị gửi đồng thời tới Bên mời thầu và Báo Đấu thầu (Văn bản số 12/SCT-DA đề ngày 12/6/2017).
Không những không đồng thuận với lý do bị loại vì xuất xứ hàng hóa, SCT còn chỉ ra sai phạm của Bên mời thầu khi nêu rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong HSMT là vi phạm pháp luật về đấu thầu và là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu (Điểm i Khoản 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu).
Nhà thầu kiến nghị còn cho rằng, đề xuất cung cấp hàng hóa của Nhà thầu là có khả năng sử dụng cao nhất cho chủ đầu tư và về bản chất không thua kém về chất lượng so với yêu cầu của HSMT. Các linh kiện chính được nhập khẩu từ Nhật Bản. Riêng hệ điều khiển và bộ điều khiển nằm trong tủ điều khiển đồng bộ là do Fuji (Nhật Bản) sản xuất tại Thái Lan có tính ổn định cao và tính năng đa dạng và được chế tạo đồng bộ. Trong khi đó, linh kiện được nhập từ Nhật Bản về để tự lắp ráp sử dụng cho công trình có giá thành tương đương với tủ điều khiển đồng bộ nhập từ Thái Lan, nhưng tính ổn định kém hơn và ít tính năng hơn.
Còn về giải pháp kỹ thuật và biện pháp thi công, nhà thầu kiến nghị khẳng định là hoàn toàn hợp lý. Có chăng, theo Nhà thầu, là hồ sơ dự thầu có một số thiếu sót về kích thước hố thang, phòng thang – hạng mục do chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên, những sơ suất này có nguyên nhân từ việc bên mời thầu bổ sung dữ liệu thời gian đóng/mở thầu cho HSMT chỉ trước ngày đóng/mở thầu 1 ngày, trong khi theo quy định, mọi tài liệu sửa đổi HSMT phải được gửi tới các nhà thầu đã nhận HSMT tối thiểu 3 ngày làm việc...
Hoàng Phúc trúng thầu “cú đúp”
Phản hồi thông tin về kiến nghị nêu trên của SCT, một cán bộ phụ trách đấu thầu của Chủ đầu tư tự giới thiệu tên là Toàn, Ban Kế hoạch tài chính xác nhận, Chủ đầu tư đã nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu SCT và đang gửi cho đơn vị tư vấn đấu thầu - Công ty Tư vấn thiết kế thuộc Bộ Quốc phòng xem xét, làm rõ. Chủ đầu tư sẽ có văn bản trả lời cho Nhà thầu khi có kết quả xử lý cụ thể.
Ngoài ra, vị cán bộ này còn cho biết thêm, đến ngày 15/6/2017, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Theo Quyết định số 218a/QĐ/ĐCT ngày 31/5/2017 của Chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu được lựa chọn là Công ty TNHH Hoàng Phúc. Thông tin này đã được công bố trên Báo Đấu thầu số 108, phát hành ngày 14/6/2017.
Theo Biên bản mở thầu do SCT cung cấp, có 3 nhà thầu tham dự Lễ mở thầu ngày 4/4/2017, gồm: SCT, Công ty TNHH Hoàng Phúc và Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Phúc An. Trong số 3 nhà thầu tham dự cuộc thầu này, chỉ duy nhất Công ty TNHH Hoàng Phúc có thư giảm giá. Về giá dự thầu sau giảm giá, SCT là 1,47 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàng Phúc là 1,7 tỷ đồng (đã giảm 100 triệu đồng) và Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Phúc An là 1,66 tỷ đồng.
Ngoài gói thầu nêu trên, Công ty TNHH Hoàng Phúc còn trúng cùng lúc 1 gói thầu khác của bên mời thầu này (Gói thầu Máy phát điện dự phòng, với giá trúng thầu 1,8 tỷ đồng).
Giá dự thầu sau giảm giá của nhà thầu trúng thầu - Công ty TNHH Hoàng Phúc là 1,7 tỷ đồng trong khi giá dự thầu của SCT là 1,47 tỷ đồng. Ảnh: Nam Hoài