Năm Ất Mùi 2015 vừa qua được đánh giá hết sức khó khăn với TTCK Việt Nam khi chỉ số VnIndex giảm 7,2% dù GDP Việt Nam tăng trưởng 6,68%, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới như giá dầu lao dốc, Trung Quốc tăng trưởng chậm, phá giá Nhân dân tệ hay Fed tăng lãi suất là những yếu tố chính tác động tới TTCK Việt Nam trong năm qua.
Trao đổi với chúng tôi trong những ngày đầu năm mới xuân Bính Thân 2016, ông Đỗ Bảo Ngọc- Chuyên gia phân tích cao cấp CTCK MBS cho rằng TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục ổn định theo hướng tích cực, tạo nền tảng để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Ông Đỗ Bảo Ngọc- chuyên gia phân tích cao cấp MBS
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vẫn tích cực đưa ra các chính sách mới nhằm phát triển hỗ trợ thị trường. Tiêu biểu có thể kể tới như Nghị định 60 cho phép mở room cho khối ngoại; Bắt buộc các doanh nghiệp đại chúng phải niêm yết giao dịch tại Upcom; Thắt chặt hơn các quy định phát hành thêm cổ phiếu.
Ngoài ra, việc cho phép giao dịch trong ngày, ban hành văn bản khung cho sự ra đời của thị trường phái sinh, rút ngắn thời gian thanh toán, nghiên cứu cho phép giao dịch ký quỹ đối với Upcom….sẽ giúp cải thiện thanh khoản thị trường.
Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa- Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BSC nhận định vĩ mô Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Về cơ bản Việt Nam vẫn đang ở trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế và điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK.
Ông Bùi Nguyên Khoa- Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường BSC
Tỷ giá- khối ngoại, câu chuyện nổi bật trong năm 2016
Mặc dù còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn, tuy nhiên các chuyên gia vẫn nhận định TTCK Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.
Ông Lê Đức Khánh- Giám đốc chiến lược đầu tư CTCK MSI cho rằng: “Câu chuyện FED được dự báo tiếp tục nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2016 sẽ có những tác động tiêu cực tới dòng tiền của khối ngoại vào các thị trường mới nổi cũng như cận biên, trong đó có Việt Nam”.
Một yếu tố nữa mà ông Khánh đang lo ngại là áp lực của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, cụ thể là điều chỉnh tỷ giá cũng như phá giá tiền đồng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam trong năm 2016.
“Chúng ta có thể thấy rằng những năm nào tỷ giá điều chỉnh lớn thì năm đó TTCK bị ảnh hưởng mạnh mẽ - năm nay cũng sẽ không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, điểm tích cực tác động đến TTCK năm 2016 có lẽ đến từ quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam thông qua các số liệu vĩ mô dự báo triển vọng” ông Khánh cho biết.
Ông Lê Đức Khánh- Giám đốc chiến lược đầu tư MSI
Ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định tình trạng suy giảm tăng trưởng của kinh tế, bong bóng bất động sản và chứng khoán Trung Quốc gây ra những lo ngại lớn về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực tế này khiến đồng nhân dân tệ liên tục mất giá và tạo áp lực lớn lên việc phá giá của VNĐ.
Sự thay đổi chính sách của FED thông qua việc tăng dần mặt bằng lãi suất đồng USD khiến đồng tiền này mạnh lên đáng kể so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VNĐ, yếu tố này tiếp tục tạo áp lực mất giá lên VNĐ.
Với 2 yếu tố tác động từ Mỹ và Trung Quốc, ông Ngọc dự báo VNĐ sẽ mất giá tương đối trong năm 2016, điều này sẽ khiến dòng tiền ngoại liên tiếp rút ra khỏi thị trường chứng khoán và là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường suy giảm.
Ông Ngọc cũng lo ngại “Không chỉ khối ngoại mà cả khối nội cũng sẽ không mấy mặn mà với TTCK trong năm nay bởi tác động từ tỷ giá và hệ quả là thị trường suy giảm cả về điểm số và thanh khoản”.
Trong khi đó, ông Bùi Nguyên Khoa dự báo “Dòng vốn khối ngoại sẽ chưa sớm quay trở lại và nếu có sẽ chủ yếu qua các thương vụ M&A, không có nhiều dòng tiền mới đổ vào TTCK”.
Ông Khoa cũng dự báo TTCK Việt Nam năm 2016 sẽ không có nhiều đột phá và 640 điểm nhiều khả năng sẽ là mức cao nhất mà chỉ số VnIndex đạt được trong năm nay. Mức 640 điểm cũng nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia Lê Đức Khánh, Đỗ Bảo Ngọc.