Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục kiên trì định hướng từng bước hạn chế lộ trình vay ngoại tệ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo Thông tư 31/2016/TT-NHNN sửa đổi quy định cho người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì chỉ còn hơn một tháng nữa để các ngân hàng kết thúc hoạt động cho vay ngoại tệ. Cụ thể, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng sẽ phải sớm chuyển sang mua - bán thương mại đơn thuần từ sau ngày 31/12/2017.
Nhưng mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Thống đốc, thời gian vừa qua, trong lộ trình ổn định tỷ giá và thực hiện lộ trình chống đôla hóa, một nhóm giải pháp đã được thực hiện, trong đó có việc dự kiến chấm dứt các quan hệ vay vốn và ngoại tệ và tiến tới chuyển sang quan hệ mua bán. Đây là một bước lộ trình để củng cố, ổn định giá trị của đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, xét thực tiễn điều kiện của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu để tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Ngân hàng nhà nước đã cho phép gia hạn việc cho vay ngoại tệ đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là cho vay vốn ngắn hạn để thực hiện các dịch vụ, hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, vì chi phí vay của doanh nghiệp khi vay ngoại tệ cũng thấp hơn so với chi phí vay tiền đồng.
Tuy vậy, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định trong thời gian tới Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục kiên trì định hướng từng bước hạn chế lộ trình vay ngoại tệ. Các doanh nghiệp phải chủ động trong việc xây dựng phương án kinh doanh trong lộ trình đó, để chuyển sang các quan hệ vay bằng đồng Việt Nam.
Trước đó, trao đổi về chủ đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng nếu hoạt động cho vay ngoại tệ chấm dứt thì trước tiên cần tạo môi trường mua bán ngoại tệ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, để đưa ra quyết định gia hạn hay không, theo ông Lực, cũng còn cần phải đánh giá mức độ đôla hóa tại Việt Nam để đưa ra chính sách chống đôla hóa phù hợp.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng, nhận định chương trình cho vay ngoại tệ triển khai những năm vừa qua đã mang lại những hiệu quả đáng kể, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Do đó, nếu hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ phải chuyển sang mua - bán thương mại đơn thuần thì có thể sẽ có các chương trình ưu đãi khác dành cho các đối tượng này, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu...
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, hiện nay nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp là rất lớn. Bởi lãi suất cho vay thấp, đi kèm với tỷ giá ổn định nên đây là nguồn vốn hấp dẫn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí. Tuy vậy, "việc xét cho vay ngoại tệ sẽ ngày càng siết chặt hơn", vị lãnh đạo này khẳng định.
Cuối tuần qua, có thêm một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Tại dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời hạn cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay đến hết ngày 31/12/2018.
Trước đó, Thông tư 24 quy định thời hạn này là 31/3/2016 và đã được gia hạn đến 31/12/2017.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc gia hạn cho vay ngoại tệ là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, dự thảo mới công bố của Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào thời điểm này, góp phần giúp các doanh nghiệp vay vốn chủ động định hướng và cân đối cho kế hoạch kinh doanh năm 2018.