Tuyệt kỹ 'hổ mang bành' của các phi công tiêm kích Nga

Động tác nhào lộn Pugachev's Cobra (hổ mang bành) đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật phức tạp và trình độ  điêu luyện của phi công.

Phi công Su-27 Nga thực hiện động tác Pugachev's Cobra

Pugachev's Cobra (hổ mang bành) là một động tác nhào lộn phức tạp và đẹp mắt được coi là tuyệt kỹ của các phi công lái chiến đấu cơ Nga. Khi phi công thực hiện động tác này, chiếc máy bay đang bay ở tốc độ vừa phải đột nhiên ngóc đầu và lao lên theo phương thẳng đứng, trước khi trở lại theo phương nằm ngang.

Máy bay có thể đạt một góc 90-120º so với hướng tấn công trong khi thực hiện động tác Pugachev's Cobra, theo MigFlug.

Tuyệt kỹ "hổ mang bành" được đặt theo tên của phi công thử nghiệm Liên Xô Vikor Pugachev, người đầu tiên trình diễn trước công chúng động tác cơ động này tại triển lãm hãng không Le Bourget tại Paris năm 1989 và tạo nên một "cú sốc không thể tin nổi" đối với khán giả phương Tây.

Mặc dù một số chiến đấu cơ phương Tây như tiêm kích Saab Draken của Thụy Điển có thể trình diễn Pugachev's Cobra, nhưng thực tế chỉ có Mig-29 và các biến thể từ Su-27 của Nga mới có thể thực hiện một cách hoàn hảo động tác này, khi đưa được máy bay đạt góc độ lớn nhất so với phương nằm ngang.

Mig-29 Nga trình diễn động tác Pugachev's Cobra

Về kỹ thuật, Pugachev's Cobra đòi hỏi động cơ máy bay phải có lực đẩy rất mạnh để có thể duy trì ở một độ cao nhất định liên tục trong quá trình thực hiện.

Trong thập niên 1990, Pugachev's Cobra được đánh giá là một động tác rất khó đòi hỏi kỹ năng vô cùng điêu luyện của phi công, bởi các chiến đấu cơ khi đó chỉ được trang bị động cơ điều khiển khí động học tiêu chuẩn.

Ngày nay, động tác trở nên dễ thực hiện hơn nhờ khả năng cơ động cao của động cơ điều khiển vector đẩy được lắp đặt trên các chiến đấu cơ thế hệ 4++ và thế hệ 5.

Theo các chuyên gia quân sự, Pugachev's Cobra rất hữu dụng khi chiến đấu ở cự ly gần hay trong không chiến vì máy bay từ vị trí của kẻ bị săn đuổi có thể trở thành kẻ chủ động tấn công bằng cách lộn ra phía sau máy bay đối phương.

Khi phi công thực hiện động tác này, máy bay đối phương đang truy đuổi ở cự ly gần rất dễ bị lỡ đà và bay quá về phía trước. Sau khi lấy lại phương nằm ngang, phi công điều khiển máy bay Nga có thể trở thành kẻ truy đuổi và khai hỏa tiêu diệt đối phương từ phía sau.

Tuy nhiên, hạn chế của động tác Pugachev's Cobra là khi thực hiện, máy bay sẽ đánh mất nhiều tốc độ và dễ bị ngắm bắn hơn.

Tiêm kích Saab Draken của Thụy Điển trình diễn Pugachev's Cobra

Tin cùng chuyên mục