UBTVQH cho ý kiến về quy định mua thuốc, trang thiết bị y tế tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những quy định liên quan đến việc mua thuốc, trang thiết bị y tế trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện tại cuộc họp sáng 15/3 trong khuôn khổ Phiên họp thường kỳ tháng 3 (từ 15 - 20/3) để chuẩn bị các nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị các nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị các nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Có điều chỉnh phần vốn từ nguồn thu tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập?

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường cho biết, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây và sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hiện vẫn còn một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như: việc điều chỉnh đối với phần vốn từ nguồn thu tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; đấu thầu qua mạng mua thuốc, vật tư y tế đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu…

Cụ thể, về vấn đề vốn nhà nước từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, có ý kiến đề nghị Luật không điều chỉnh phần vốn từ nguồn thu tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công là vốn đầu tư công, do đó phải thực hiện đấu thầu và được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất không quy định tách riêng phần thu từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị không nên tách phần thu từ các đơn vị sự nghiệp công, vì các đơn vị ngành y tế đang thực hiện tự chủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban TCNS về việc giải trình ý kiến ĐBQH là nên coi phần nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là vốn nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) và quy định này cũng phù hợp với Luật Đầu tư công hiện nay đang được điều chỉnh.

“Các nguồn vốn hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập khi mua sắm đầu tư cần áp dụng Luật Đấu thầu cho phù hợp thực tế và bản chất của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng bộ với các luật khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngăn chặn nguy cơ lạm dụng chỉ định thầu

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là rất cần thiết để ứng phó với các tình huống cấp bách liên quan đến dịch bệnh, thiên tai… Luật cần quy định nguyên tắc để có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc tiến hành đảm bảo khả thi, cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Do đó, Điều 23 quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”…

Khi thực hiện Điều 23, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lo ngại về nguy cơ lạm dụng chỉ định thầu, do đó đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu về giá tối thiểu tham khảo.

Giải trình về ý kiến băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nêu rõ, việc mua các vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch đã có những điều kiện kèm theo, ví dụ phải được bố trí vốn, kinh phí để mua. Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Đức Luận, quy định như Dự thảo Luật về các trường hợp chỉ định thầu là phù hợp.

Về ý kiến đề xuất đưa dược liệu vào danh mục đàm phán giá, theo đại diện Bộ Y tế, quy trình thủ tục đàm phán giá rất phức tạp, cần phải có Hội đồng đàm phán giá và Hội đồng thẩm định đàm phán. Bộ Y tế đang quản lý khoảng 500 mặt hàng thuộc diện mua thuốc tập trung. Mặt khác, dược liệu chưa phải là thuốc nên đề nghị không đưa vào danh mục đàm phán giá. Nếu tiến hành đấu thầu mà chỉ có 1 - 2 nhà sản xuất, thì cũng không cần tiến hành đấu thầu. Vì vậy, quy định như dự thảo là phù hợp.

Về vấn đề mua sắm tập trung, giải trình câu hỏi của ĐBQH về việc có tiến hành mua hóa chất hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước đây có quy định mua sắm tập trung, nhưng có nhiều loại hóa chất nếu mua tập trung rất phức tạp, trong khi Bộ Y tế đang quá tải. Đối với trang thiết bị, tùy khả năng và nhu cầu, các đơn vị tự mua, còn việc mua sắm tập trung chỉ tập trung mua thuốc.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị rà soát thêm các trường hợp của đơn vị sự nghiệp công lập không áp dụng được quy định về đấu thầu rộng rãi, có thể chuyển sang hình thức chỉ định thầu, nhất là với những hạng mục nhỏ, cấp bách, cần thiết. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục đích của Dự án Luật là phải giải quyết được những ách tắc hiện nay của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo thuận lợi trong tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát, tránh lãng phí, tham nhũng, đảm bảo công khai minh bạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiến là bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để đảm bảo minh bạch

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Y tế, trường hợp đặc biệt, không chỉ có vắc xin mà cần có cả thuốc.

Về trường hợp mua sắm vắc xin Covid-19 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là trường hợp rất khác, là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong Luật về trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.

Đối với những nội dung liên quan đến quyết định của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các trường hợp đặc biệt, đặc thù, trường hợp nào chỉ định thầu thì quy định thẳng trong Luật, bảo đảm minh bạch. “Tiến tới là bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để đảm bảo minh bạch. Trong trường hợp cần thiết vẫn còn cần duy trì trường hợp đặc biệt, đề nghị theo chủ trương phân cấp, phân quyền và một việc là giao một người chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ các ý kiến; giao Ủy ban TCNS chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện Dự thảo Luật, chuẩn bị hồ sơ xin ý kiến Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức; tập hợp đầy đủ ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

Tin cùng chuyên mục